Hòa Bình phát triển du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm

Hòa Bình phát triển du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm
Các đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm nông nghiệp tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Thanh Hải - TTXVN
Các đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm nông nghiệp tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Thanh Hải - TTXVN

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh giới thiệu về tiềm năng đầu tư du lịch của tỉnh Hòa Bình nói chung, huyện Đà Bắc nói riêng. Theo đó, huyện Đà Bắc là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nông nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cũng nêu rõ, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (tỉnh Sơn La) theo hình thức đối tác công tư (PPP). Khi được hoàn thiện và đưa vào khai thác, tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ thủ đô Hà Nội tới huyện Đà Bắc và là điều kiện thuận lợi cho thu hút các dự án đầu tư khác. Do đó, huyện Đà Bắc cần tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành đồng hành cùng huyện Đà Bắc, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh triển khai các công trình hạ tầng quan trọng cho huyện Đà Bắc nhằm tạo sức hút cho hoạt động đầu tư vào huyện.
 
Huyện Đà Bắc sở hữu nhiều tiềm năng phát triển du lịch với những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như Đền chúa Thác Bờ, xã Vầy Nưa - di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, 3 điểm di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia với nhiều thắng cảnh, hang động đẹp. Địa bàn huyện còn có diện tích mặt hồ trên 6.000 ha với các đảo đá đẹp, tạo cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, huyền ảo. Những năm qua, huyện Đà Bắc đã phát triển được 4 điểm du lịch cộng đồng tại xóm Ké (xã Hiền Lương); xóm Đá Bia, xóm Mó Hém (xã Tiền Phong); xóm Sưng (xã Cao Sơn); gìn giữ, bảo tồn nhiều nét văn hóa, phong tục, tập quán, kiến trúc nhà ở, trang phục, dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống và các lễ hội dân gian. Trung bình mỗi năm, huyện Đà Bắc đón hơn 90.000 lượt khách đến thăm quan.

Ngoài tiềm năng về du lịch, huyện Đà Bắc còn sở hữu tiềm năng phát triển nông nghiệp với hơn 68.000 ha đất nông nghiệp. Kế hoạch năm 2020, huyện sẽ đăng ký một số sản phẩm OCOP (theo Chương trình OCOP về phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị) như: Rượu ngô, miến dong xã Cao Sơn; gạo J02 xã Mường Chiềng và nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng khác. Với tiềm năng, lợi thế, huyện Đà Bắc mong muốn phát triển các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến các mặt hàng nông sản thực phẩm tại địa phương.

Để khai thác tiềm năng phát triển du lịch, Huyện ủy Đà Bắc đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, trong đó đề ra mục tiêu tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm.

Qua khảo sát, huyện Đà Bắc hiện có 15 vị trí phù hợp có thể đầu tư phát triển các dự án du lịch hoặc kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp. Đến với Đà Bắc, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai.

Tại hội nghị, UBND huyện Đà Bắc đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với 8 nhà đầu tư với tổng mức đầu tư các dự án 2.000 tỷ đồng.

Thanh Hải 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm