Hòa Bình hỗ trợ nông dân tiêu thụ hết sản phẩm cây ăn quả có múi

Thu hoạch cam Cao Phong. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN
Thu hoạch cam Cao Phong. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn có những diễn biến khó lường, trong khi các diện tích các cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đang bắt đầu cho năng suất thu hoạch cao. Để chủ động tiêu thụ hết sản lượng và đảm bảo có lãi cho người trồng cam, UBND huyện Cao Phong phối hợp cùng các đơn vị chức năng xây dựng các phương án tiêu thụ nông sản chủ lực theo diễn biến của dịch bệnh trong tình hình mới.

Hòa Bình hỗ trợ nông dân tiêu thụ hết sản phẩm cây ăn quả có múi ảnh 1Cam Cao Phong đang vào kỳ thu hoạch. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Theo ông Bùi Văn Dán, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cao Phong, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, thông thương vùng miền thuận lợi, UBND huyện Cao Phong và Phòng Nông nghiệp huyện đã có kế hoạch hỗ trợ cho bà con nông dân tiêu thụ các sản phẩm nông sản có múi thông qua nhiều kênh.

Với cây ăn quả có múi, sản lượng dự kiến khoảng 22.000 tấn, thời gian thu hoạch từ tháng 10/2021 đến tháng 5/2022 sẽ chủ yếu tiêu thụ tại thị trường trong nước. Sản lượng tiêu thụ qua thu mua thương lái dự kiến chiếm 60%; qua kênh bán lẻ, online 25%; bán tại chỗ phục vụ khách du lịch 5%; đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị, chợ dân sinh 10% và đưa vào chế biến khoảng 3.000 tấn.

Ông Phạm Văn Minh, một hộ trồng cam lâu năm tại thị trấn Cao Phong chia sẻ, hai năm nay do dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng làm cho giá phân bón, phân đạm đầu vào tăng cao mà khi tới vụ thu hoạch do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 việc buôn bán bị ngưng trệ, hàng hóa lưu thông chậm dẫn đến việc giá thành cam bán tại vườn bị giảm nhiều so với những năm về trước.

Hòa Bình hỗ trợ nông dân tiêu thụ hết sản phẩm cây ăn quả có múi ảnh 2Thu hoạch cam Cao Phong. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Ảnh hưởng của dịch vụ COVID-19 đã tác động tiêu cực đến việc tiêu thụ cam khi thủ phủ cam Cao Phong vào chính vụ, vì thế việc đưa cam Cao Phong lên sàn thương mại điện tử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp lưu thông hàng hóa. Đồng thời là cánh tay nối dài đưa sản phẩm cam Cao Phong đến tay người dùng trong cả nước.

Các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình nói chung và cam Cao Phong xuất hiện trên sàn Postmart.vn sẽ là một trong những giải pháp mới để hỗ trợ dân tiêu thụ sản phẩm khi Bưu điện tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ 4 đơn vị hợp tác xã đưa cam Cao Phong tiêu thụ sản phẩm trên sàn. Trước cam Cao Phong, nhiều loại nông sản, đặc sản của tỉnh có mặt trên sàn Postmart như: rau su su, bưởi đỏ, bưởi da xanh (Tân Lạc); dầu Lạc (Yên Thủy); trứng gà, na (Lạc Thủy); hạt dổi Chí Đạo (Lạc Sơn), nhãn Sơn Thủy (Kim Bôi)…

Trong niên vụ 2021 - 2022, UBND huyện Cao Phong sẽ phối hợp, kết nối với các sàn thương mại điện tử để hỗ trợ người dân tiêu thụ cam. Hiện, sàn Thương mại điện tử Postmart cam kết hỗ trợ tiêu thụ 3.000 tấn cam, VoSo hỗ trợ tiêu thụ 2.000 tấn…

Đồng thời, UBND huyện Cao Phong khuyến khích người dân đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ, đẩy mạnh việc tìm kiếm khách hàng thông qua liên kết bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, qua các ứng dụng mạng xã hội Facebook, Zalo...

Hiện, vùng trồng cam đặc sản Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đang trong giai đoạn chính vụ thu hoạch. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Cao Phong, vụ năm 2021-2022 sản lượng cây ăn quả có múi toàn huyện giảm so với cùng kỳ năm trước.

Ông Bùi Văn Dán, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Phong cho biết, niên vụ 2021-2022 diện tích cây ăn quả có múi của toàn huyện là hơn 1.900 ha, giảm so với năm 2020 hơn 2.800 ha. Sản lượng dự kiến 22.000 tấn, giảm so với năm 2020 là 26.000 tấn. Riêng diện tích cây cam của tỉnh hơn 1.500 ha; hiện có khoảng 1.000 ha cam lòng vàng đang cho thu hoạch; sản lượng cam dự kiến từ 17.000 - 18.000 tấn.

Nguyên nhân diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Cao Phong giảm là do nhiều diện tích cây đã già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh nên người dân phá bỏ để tái canh lại cây mới.

Thêm vào đó, những năm gần đây, tình hình bệnh trên cây ăn quả có múi, nhất là cây cam có chiều hướng gia tăng như: bệnh vàng lá Greening, vàng lá do côn trùng, thối nhũn quả, ruồi vàng… làm cho sự sinh trưởng phát triển của cây trồng bị ảnh hưởng, cây yếu, thời gian thu hoạch giảm nên nhiều hộ dân đã chuyển sang cây trồng khác.

Ông Lê Văn Cương, Giám đốc Hợp tác xã Hà Phong, huyện Cao Phong cho biết, trong năm 2021, hợp tác xã hiện có 200 ha trồng cam; trong đó có 150 ha cho thu hoạch, sản lượng dự kiến 1.000 tấn, tăng hơn so với niên vụ 2020 – 2021 là 400 tấn bởi các diện tích thu hoạch bước vào thời kỳ cho quả đạt năng suất cao nhất.

Hợp tác xã đã phổ biến cho các thành viên và bà con rút kinh nghiệm trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại từ những vụ cam trước để sớm áp dụng kỹ thuật chăm sóc mới ngay từ thời gian cây bắt đầu lứa quả mới nên đã hạn chế được tỷ lệ rụng quả.

Trọng Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm