Hòa Bình cải tạo trên 6.000 ha vườn tạp thành vườn cây đặc sản

Hòa Bình cải tạo trên 6.000 ha vườn tạp thành vườn cây đặc sản
Gia đình ông Bùi Nam Chềnh ở tỉnh Hòa Bình vay 30 triệu đồng đầu tư cải tạo hơn 3000m2 đất đồi trồng cam, quýt, sau 3 năm đã cho kết quả tốt. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Gia đình ông Bùi Nam Chềnh ở tỉnh Hòa Bình vay 30 triệu đồng đầu tư cải tạo hơn 3000m2 đất đồi trồng cam, quýt, sau 3 năm đã cho kết quả tốt. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Tỉnh miền núi Hòa Bình có trên 21.000 ha đất vườn nhưng phần lớn là vườn tạp, các hộ nông dân trồng xen kẽ nhiều cây bản địa như: tre, chuối, chanh, quất hồng bì…tự cung tự cấp cho gia đình. Rất ít sản phẩm hàng hóa được cung cấp ra thị trường. Nhằm phát huy tiềm năng đất đai, lợi thế địa lý cận Thủ đô Hà Nội, mở hướng làm giàu cho người dân, từ cuối năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TU vận động người dân cải tạo vườn tạp gắn với đẩy mạnh hợp tác, liên kết nông nghiệp, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã tích cực triển khai xây dựng kế hoạch cải tạo vườn tạp, xây dựng cánh đồng lớn. Đồng thời, huy động, lồng ghép các nguồn vốn thực hiện chương trình; thực hiện chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giới thiệu, định hướng sản xuất bằng các giống cây trồng năng suất cao, phẩm chất tốt. Ngành cũng thường xuyên thông báo tình hình dịch cây trồng và  đưa ra các biện pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả tại từng khu vực xảy ra dịch hại. Các huyện, thành phố tiến hành rà soát, lập danh sách các hộ dân và doanh nghiệp trên địa bàn tham gia cải tạo vườn tạp với chính sách ưu tiên những xã nằm trong vùng sản xuất quy hoạch, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh. Qua 3 năm, công cuộc cải tạo vườn tạp trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế; tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của nhân dân. Hòa Bình hiện có vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao như: cam trồng tại huyện Cao Phong, Lạc Thủy; bưởi đỏ huyện Tân lạc; tạo lập và quản lý nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm hạt dổi Lạc Sơn; su su Tân Lạc; nhãn Sơn Thủy - Kim Bôi; bảo tồn được nguồn gen các cây trồng địa phương như quýt Nam Sơn, lúa nếp cẩm, tỏi tía Hòa Bình, mía tím Hòa Bình, ngô nếp Thung Khe. Tính đến tháng 9/2017, diện tích sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 436,3 ha; trong đó, diện tích được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP là 166,6 ha. Năm 2018, Hòa Bình tiếp tục hỗ trợ nông dân cải tạo vườn tạp theo hướng chọn giống cây đặc sản, phù hợp với quy hoạch vùng; hướng dẫn các địa phương thực hiện quảng bá xây dựng thương hiệu, tìm kiếm đối tác bao tiêu sản phẩm.
Nhan Sinh

Có thể bạn quan tâm