Hỗ trợ xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo vùng cao Bá Thước

Hỗ trợ xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo vùng cao Bá Thước
Trước đây, nhiều diện tích đất trồng lúa ở một số thôn, bản ở vùng cao huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa luôn trong tình trạng thiếu nước tưới, đường giao thông nội thôn chưa được xây dựng nên ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất của người dân.
Toàn cảnh một khu vực có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống tại huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Toàn cảnh một khu vực có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống tại huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Do đó, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em Việt Nam đã phối hợp với UBND huyện Bá Thước thực hiện dự án “Quản lý cộng đồng trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới” với nguồn vốn do Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (Cộng hòa Liên bang Đức) tài trợ nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Năm 2018, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em Việt Nam đã lựa chọn 6 thôn, bản ở các xã đặc biệt khó khăn gồm thôn Báng, Pù Luông, Eo Kén, xã Thành Sơn và thôn Đanh, Bầm, Tân Thành, xã Thành Lâm để triển khai dự án “Quản lý cộng đồng trong chương trình xây dựng nông thôn mới” với tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng; trong đó, dự án hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng. Còn lại do nhân dân đóng góp tiền mặt, ngày công lao động, số người dân được hưởng lợi trực tiếp gần 6.000 người.

Một buổi đối thoại giữa người dân huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa với Trung tâm Hỗ trợ Phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em Việt Nam về thực hiện dự án “Quản lý cộng đồng trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới". Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Một buổi đối thoại giữa người dân huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa với Trung tâm Hỗ trợ Phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em Việt Nam về thực hiện dự án “Quản lý cộng đồng trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới". Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Ngay sau đó, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em đã thẩm định các hạng mục công trình tiểu dự án và hướng dẫn các thành viên thuộc 2 nhóm nòng cốt, nhóm cộng đồng của các thôn thực hiện khảo sát đo đạc, lập kế hoạch mua vật liệu, thi công giám sát, nghiệm thu công trình, bàn giao quyết toán và họp thôn rút kinh nghiệm.

Sau hơn 2 năm triển khai, các thôn, bản ở 2 xã Thành Lâm và Thành Sơn đã bê tông gần 4,5 km đường nội thôn, xây gần 1 km mương, lắp đặt 3,5 km đường ống dẫn nước, tưới gần 30 ha diện tích ruộng trồng lúa không chủ động nguồn nước, làm 1 sân vận động và sửa 1 nhà văn hóa, 1 công trình vệ sinh. Những công trình được dự án hỗ trợ đã được đưa vào sử dụng được người dân và chính quyền địa phương đánh giá cao.
 
Người dân huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa cùng chung sức mở rộng đường giao thông, góp phần xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Người dân huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa cùng chung sức mở rộng đường giao thông, góp phần xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Tại thôn Bầm, xã Thành Lâm, dự án đã được triển khai để hỗ trợ bà con phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập từ kinh tế nông nghiệp. Hiện thôn Bầm đang có 137 hộ với 505 nhân khẩu, thu nhập của đồng bào nơi đây chủ yếu dựa vào trồng lúa trên ruộng bậc thang và làm nương rẫy ở ven các sườn đồi có độ dốc cao, nguồn nước tưới đều trông chờ vào nước trời và các khe suối nhỏ, do đó diện tích trồng lúa không chủ động được nguồn nước.

Bên cạnh đó, đường giao thông đi lại trong thôn rất khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới việc vận chuyển hàng hóa và phát triển kinh tế của người dân sống trong khu vực. Trước thực trạng trên, vào đầu năm 2019 Trung tâm Hỗ trợ Phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em đã hỗ trợ 120 triệu đồng cho thôn Bầm, xã Thành Lâm mua và lắp đặt 450 mét đường ống dẫn nước tưới cho hơn 5 ha diện tích ruộng trồng lúa và làm 340 mét đường bê tông nội thôn.

Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn của xã Thành Lâm, huyện miền núi Bá Thước đã được bê tông hóa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn của xã Thành Lâm, huyện miền núi Bá Thước đã được bê tông hóa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Nhờ vậy, diện tích trồng lúa của bà con ở thôn Bầm đã phát triển mạnh và cho hiệu quả kinh tế cao, người dân đã chủ động được nguồn nước tưới, đường giao thông trong thôn đi lại được cải thiện tốt hơn.

Chị Hà Thị Xứng, Thôn Bầm, xã Thành Lâm cho biết, gia đình chị có 3 sào ruộng, mọi năm không có nước nên cấy không được mùa mấy. Năm nay được quan tâm cấp dự án này nên gia đình chị có đủ nước cấy, chắc chắn gia đình chị sẽ được mùa hơn so với mấy vụ trước, kết hợp cùng với chăn nuôi, trồng cây hái quả, dự kiến thu nhập của cả gia đình sẽ đạt khoảng gần trăm triệu.
 
Toàn cảnh một khu vực ruộng bậc thang để trồng lúa của người dân huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Toàn cảnh một khu vực ruộng bậc thang để trồng lúa của người dân huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Theo anh Lò Văn Đang, Trưởng thôn Bầm, xã Thành Lâm cho biết, trước khi chưa có con đường đi lại khó khăn, đường dốc đá lầy lội. Sau khi có dự án hỗ trợ bà con đã bàn bạc thống nhất góp công, hiến, thống nhất làm con đường, khi thực hiện xong con đường của dự án người dân rất phấn khởi, việc đi lại, sản xuất, vận chuyển hàng hóa thuận tiện.

Tại thôn Eo Kén, xã Thành Sơn cũng có diện tích trồng lúa trên 14 ha, chủ yếu là ruộng bậc thang có độ dốc cao, mỗi vụ lúa hàng năm đều có hơn 40% diện tích gieo cấy lúa thiếu nước tưới nên bà con trong thôn đều phải trông chờ vào nước trời hoặc làm ống dẫn nước bằng tre luồng để dẫn nước từ các khe nhỏ trong vách núi về đồng ruộng, thế nhưng đồng ruộng vẫn trong tình trạng khô hạn.

Năm 2019, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em đã hỗ trợ gần 72 triệu đồng cho bà con mua 1.000 mét ống nhựa dẫn nguồn nước từ khe núi về đồng ruộng. Nhờ thế, vụ Chiêm Xuân năm 2020 người dân trong thôn đã cấy lúa sớm hơn so với những vụ trước đây.

Đường ống dẫn nước được lắp đặt để cung cấp nước cho ruộng lúa của người dân huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Đường ống dẫn nước được lắp đặt để cung cấp nước cho ruộng lúa của người dân huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Ông Lò Duy Phan, Bí thư chi bộ thôn Eo Kén, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước nhấn mạnh, trước đây diện tích ở đâu hạn hán kéo dài, hàng năm phải chờ đến tháng 4 với cấy được vụ sau cùng, mương đất, nước hao hụt, nên bà con đi lấy đất đổ để trám, chét đất dưới lòng mương để nước sang. Sau khi được phê duyệt dự án, thôn đã lấy đường ống lắp nay nước tưới tiêu đã đảm bảo cho cánh đồng, bà con đã có thể yên tâm phát triển kinh tế nông nghiệp.

Theo ông Lương Văn Thuân, Chủ tịch UBND xã Thành Lâm cho hay, tất cả công trình của dự án đã được mời người dân tham gia nên hiệu quả khi xây dựng xong công trình rất tốt. Thời gian thi công nhanh gọn và chất lượng được như ý muốn, người dân đã an cư lạc nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo tại vùng cao.

Khu vực ruộng bậc thang để trồng lúa của người dân huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Khu vực ruộng bậc thang để trồng lúa của người dân huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Thống kê của UBND huyện Bá Thước cho thấy, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trong 10 năm qua đã huyện đã có 20.924 lao động được giải quyết việc làm, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 chỉ từ 9 triệu đồng/người/năm, đến nay tăng lên 30 triệu đồng/người/năm, toàn huyện đã có 3 xã Điền Lư, Tân Lập, Điền Trung và 58 thôn đạt chuẩn nông thông mới.

Việc triển khai thực hiện Dự án “Quản lý cộng đồng trong chương trình xây dựng nông thôn mới” của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em Việt Nam tại 2 xã Thành Lâm và Thành Sơn là một trong những giải pháp hiệu quả giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao huyện Bá Thước thay đổi cách nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nguyễn Nam
TTXVN

Có thể bạn quan tâm