Hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật tại vùng núi Ninh Bình

Nhiều người khuyết tật ở huyện miền núi Nho Quan (Ninh Bình) được hỗ trợ máy may đã có việc làm ổn định, tăng thu nhập. Ảnh: nhandan.vn
Nhiều người khuyết tật ở huyện miền núi Nho Quan (Ninh Bình) được hỗ trợ máy may đã có việc làm ổn định, tăng thu nhập. Ảnh: nhandan.vn

Nhằm hỗ trợ cho người khuyết tật và gia đình có người khuyết tật nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, hòa nhập cộng đồng, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) đã thực hiện nhiều chương trình, dự án trợ giúp người khuyết tật về giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, qua đó tháo gỡ những rào cản trong cuộc sống cho người khuyết tật tại vùng núi Ninh Bình.

Hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật tại vùng núi Ninh Bình ảnh 1Nhiều người khuyết tật ở huyện miền núi Nho Quan (Ninh Bình) được hỗ trợ máy may đã có việc làm ổn định, tăng thu nhập. Ảnh: nhandan.vn

Bị khuyết tật từ nhỏ với đôi chân đi lại khó khăn, chị Đinh Thị Yến (ở thôn Nga 2, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan) không vì vậy mà đầu hàng số phận. Chị học nghề may và nhận sửa chữa quần áo tại nhà. Tuy nhiên, thu nhập thấp, không ổn định, kinh tế còn nhiều khó khăn. Năm 2017, nhận được hỗ trợ từ dự án "Thúc đẩy phát triển hòa nhập của người khuyết tật và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu" của Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam, chị Yến đã có điều kiện mở được xưởng may. Dự án hỗ trợ cho chị được tham gia các lớp tập huấn từ đào tạo nghề, nâng cao năng lực, kiến thức.

Thời gian đầu mở xưởng may, chị gặp không ít khó khăn. Được sự hỗ trợ từ dự án, chị đã phấn đấu vươn lên làm kinh tế, giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Sau 3 năm xây dựng và vận hành, xưởng may phát triển thành hợp tác xã may mặc. Chị Đinh Thị Yến chia sẻ, hiện tại, hợp tác xã do chị đứng đầu được hỗ trợ 19 máy may, tạo việc làm cho hơn 20 người khuyết tật và người nhà của họ, thu nhập bình quân 2,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Thành viên hợp tác xã còn được tham gia nhiều lớp tập huấn về phòng, chống thiên tai, hòa nhập… nhằm nâng cao kiến thức, tăng sự hiểu biết và tự tin hơn để hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật.

Huyện miền núi Nho Quan hiện có 4.606 người khuyết tật, trong đó có 2.710 người chưa có việc làm. Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án tại huyện Nho Quan như: "Thúc đẩy phát triển hòa nhập của người khuyết tật và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu", "Cùng người khuyết tật và gia đình họ xây dựng sinh kế sau COVID-19"… Chỉ riêng Dự án "Cùng người khuyết tật và gia đình họ xây dựng sinh kế’’ được triển khai từ tháng 1- 4/2023 đã hỗ trợ cho 275 người ở huyện miền núi Nho Quan, trong đó có 64 người khuyết tật có sinh kế bền vững để phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Các dự án này đã tạo điều kiện cho người khuyết tật được tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, được học nghề, tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng quản lý tài chính. Các đơn vị bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Qua đó, người khuyết tật và gia đình có cuộc sống ổn định, giảm bớt sự phụ thuộc.

Ông Đinh Văn Trang, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan, Trưởng Ban Quản lý chương trình hỗ trợ phát triển huyện miền núi Nho Quan cho biết, nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức, đơn vị và chính quyền địa phương đã giúp thay đổi số phận cho hàng trăm người khuyết tật và người thân của họ. Thông qua sự hỗ trợ của các dự án dành cho người khuyết tật, nhiều mô hình như: Nuôi ong, nuôi lợn rừng, trồng gừng, làm nghề may… đem lại việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều người khuyết tật và gia đình họ. Kết quả này không chỉ dừng lại trong khuôn khổ dự án mà còn tiếp tục phát triển và có tác động lâu dài đến cuộc sống của người khuyết tật, người dân tộc thiểu số cũng như người dân địa phương; góp phần nâng cao trách nhiệm của các bên trong đảm bảo quyền của người khuyết tật.

Tỉnh Ninh Bình hiện có trên 40 mô hình tự tạo việc làm của người khuyết tật. Những mô hình này không những giải quyết việc làm cho người đồng cảnh mà còn là cơ hội việc làm cho các thành viên trong gia đình, lao động địa phương.

Ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Chương trình dự án an sinh xã hội Việt Nam nhấn mạnh, hỗ trợ người khuyết tật học nghề phù hợp để có thể mưu sinh dài lâu là một giải pháp hiệu quả nhất ở thời điểm hiện nay nhằm tạo sinh kế cho người khuyết tật. Có việc làm, có thu nhập, người khuyết tật có thể tự tin để tạo dựng những gì tốt đẹp hơn cho bản thân và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Thời gian tới, Quỹ Chương trình dự án an sinh xã hội Việt Nam cũng như Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam tiếp tục có các dự án dài hạn đối với huyện miền núi Nho Quan nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung để hỗ trợ người khuyết tật nhằm tạo điều kiện cho họ sinh kế tốt để phát triển kinh tế gia đình và giúp người khuyết tật vượt lên chính mình, tự tin hơn.

Năm 2023 là năm đầu tiên ActionAid Việt Nam thực hiện Chiến lược Quốc gia lần thứ VII (CSP VII) giai đoạn 2023-2027, ưu tiên hỗ trợ người dân để cải thiện khả năng phục hồi và thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu và xây dựng cộng đồng an toàn. Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết của mình trong nỗ lực xây dựng cộng đồng an toàn và hòa nhập cho người khuyết tật.

Ninh Bình hiện có khoảng 26.000 người khuyết tật, chiếm khoảng 3,1% dân số. Thông qua các chương trình, dự án đã và đang được triển khai của Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam, huyện miền núi Nho Quan nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung sẽ có thêm kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình, dự án tạo sinh kế cho cộng đồng người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Thùy Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm