Hỗ trợ phát triển nghề dệt zèng truyền thống của đồng bào Tà Ôi ở Thừa Thiên - Huế

Hỗ trợ phát triển nghề dệt zèng truyền thống của đồng bào Tà Ôi ở Thừa Thiên - Huế
Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm dệt zèng tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm dệt zèng tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Nghề dệt zèng ở A Lưới đã trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Dệt zèng (A Lưới) nằm trong số 13 làng nghề tiêu biểu của Thừa Thiên - Huế được lựa chọn để bảo tồn lâu dài. Nguồn vốn khuyến công của tỉnh cũng tập trung hỗ trợ nghề dệt zèng trang bị máy móc, tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực cải tiến mẫu mã sản phẩm, đào tạo nghề với mục đích nâng cao năng lực sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ.

Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể zèng A Lưới cho Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện A Lưới; với màu sắc được chứng nhận là đen, trắng, đỏ, xanh lá cây; trong đó, danh mục sản phẩm, dịch vụ nhãn hiệu nghề dệt zèng A Lưới gồm các sản phẩm zèng (túi xách, cặp xách, va li, túi du lịch, ví ...), vải zèng (khăn trải bàn, khăn trải giường, khăn phủ gối, rèm, áo chăn, áo gối, áo nệm), các sản phẩm của zèng (quần áo, cà vạt, khố, thắt lưng, khăn)...

Dệt zèng là nghề truyền thống của dân tộc Tà Ôi, hiện đang được bảo tồn, quảng bá như một sản phẩm văn hóa đặc sắc của huyện miền núi A Lưới. Mỗi sản phẩm dệt zèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt vừa là tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa dân tộc. Trải qua hàng trăm năm, nghề dệt zèng được người dân địa phương gìn giữ và lưu truyền, họ tự tìm kiếm nguyên liệu để dệt nên những tấm zèng đa màu sắc, họa tiết hoa văn độc đáo.

Đến nay, ngoài phát triển nghề dệt zèng đến hầu khắp các hộ đồng bào Tà Ôi, ở A Lưới đã có nhiều cơ sở dệt zèng được thành lập ở các xã, thị trấn. Tiêu biểu, tại thị trấn A Lưới nghệ nhân Mai Thị Hợp, người đã mạnh dạn đứng ra lập xưởng dệt thổ cẩm. Hợp tác xã có trên 40 chị em tham gia. Mỗi tháng, 1 lao động dệt được khoảng 2 tấm zèng, có thu nhập từ 2,5 - 4 triệu đồng. Tại xã A Đớt, từ mấy năm nay đã hình thành thêm cơ sở dệt zèng do chị A Viết Thị Tâm làm chủ nhiệm, từ 38 thành viên ban đầu, đến nay Hợp tác xã thu hút được 62 người. Hợp tác xã đã mở nhiều đợt dạy nghề, thu hút nhiều chị em trên địa bàn tham gia. Đây thực sự là nghề giúp bà con thoát nghèo hiệu quả.

Để tạo nên một tấm zèng đẹp, ngoài sự chuẩn bị nguyên liệu, bao gồm sợi vải, hạt cườm và lục lạc, từ những bàn tay khéo léo của người phụ nữ Tà Ôi, sự nhẹ nhàng uyển chuyển trên khung dệt và sự khéo léo, tỉ mỉ trong việc đính cườm đã tạo nên những hệ hoa văn độc đáo. Trải qua hàng trăm năm, nghề dệt zèng được người dân địa phương gìn giữ và lưu truyền; họ tự tìm kiếm nguyên liệu để dệt nên những tấm zèng đa màu sắc, họa tiết hoa văn độc đáo.

Với giá từ 600.000 - 700.000 đồng/tấm zèng loại thường và từ 1 - 1,5 triệu đồng loại đính cườm, ngày càng nhiều người theo nghề và sống được với nghề. Sản phẩm dệt zèng A Lưới hiện nay được tiêu thụ mạnh do chất lượng tốt và có tính sáng tạo rất cao và đã trở thành sản phẩm được ưa chuộng của khách du lịch khi đến A Lưới.
Quốc Việt 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm