Hỗ trợ nông dân Đắk Nông sản xuất cà phê bền vững

Hỗ trợ nông dân Đắk Nông sản xuất cà phê bền vững
Nông dân Đắk Nông thu hoạch cà phê. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN
Nông dân Đắk Nông thu hoạch cà phê. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN

Theo Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh Đắk Nông, năm 2018, đơn vị phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã và đang triển khai  hỗ trợ 20 mô hình tái canh và xây dựng 40 mô hình trình diễn sản xuất cà phê bền vững tại các vùng trọng điểm cà phê trong tỉnh. Đối với mô hình trình diễn cà phê bền vững được triển khai tại các huyện Đắk R’lấp, Đắk Mil 10 mô hình; huyện Đắk Song và thị xã Gia Nghĩa 7 mô hình; huyện Đắk G’long và Krông Nô 3 mô hình. Mỗi mô hình có diện tích 1 héc ta, với kinh phí hỗ trợ hơn 40 triệu đồng mỗi mô hình.

Tại các mô hình này người dân thực hiện các quy trình chăm sóc và tạo hình cây cà phê theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật đảm bảo lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng hợp lý, tránh lãng phí từ đó hạn chế chi phí sản xuất. Đối với các mô hình tái canh cà phê, mỗi mô hình sẽ thực hiện trên diện tích 5 sào, được dự án hỗ trợ 50% vật tư, giống, công chăm sóc trong vòng 3 năm thực hiện tái canh. Đây sẽ là những mô hình mẫu để bà con sản xuất cà phê trong vùng tham quan, học tập kinh nghiệm, quy trình kỹ thuật chăm sóc để áp dụng vào vườn cây của gia đình.

Bên cạnh đó, Dự án VnSAT tỉnh Đắk Nông cũng hỗ trợ nâng cấp được 5 vườn ươm đạt chuẩn đầu dòng tại các huyện Đắk Mil, thị xã Gia Nghĩa và huyện Đắk R’lấp (mỗi vườn hỗ trợ khoảng 500 -600 triệu đồng) để cung cấp nguồn giống có chất lượng phục vụ nhu cầu bà con nông dân.

Ban Quản lý dự án VnSAT tỉnh Đắk Nông cũng phối hợp với các đơn vị Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Trung tâm Khuyến nông; Chi cục Phát triển nông thôn; Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và Môi trường Tây Nguyên tổ chức hàng trăm lớp tập huấn đào tạo cho các nông hộ trong vùng dự án về sản xuất và tái canh cà phê bền vững  từ khâu làm đất, chọn giống đến các kỹ thuật tái canh, kỹ thuật chăm sóc vườn cây, phòng trừ sâu bệnh đến thu hái bảo quản… Ngoài ra, Dự án VnSAT tỉnh Đắk Nông đã hỗ trợ các nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng đường giao thông nội đồng, sân phơi, nhà kho, máy móc, thiết bị sơ chế cà phê, tưới nước tiết kiệm…

Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT Đắk Nông cho biết, tỉnh Đắk Nông hiện có hơn 123.000 ha cà phê, đứng thứ 3 ở Tây Nguyên, sau Lâm Đồng và Đắk Lắk.

Cà phê là cây công nghiệp chủ lực chiếm tỷ trọng lớn, giá trị xuất khẩu cao trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay năng suất và sản lượng cà phê bình quân của tỉnh Đắk Nông còn thấp, trung bình chỉ đạt 2,3 tấn/ha. Diện tích cà phê được các nông hộ sản xuất theo quy chuẩn hiện nay chỉ khoảng 30.000ha. Trong khi đó, nhu cầu tái canh, cải tạo vườn cà phê già cỗi của tỉnh cũng rất lớn, khoảng 30.000 ha, nhưng mới triển khai được khoảng hơn 1/3.

Vì vậy, việc triển khai thực hiện dự án với các hoạt động hỗ trợ chủ yếu như tăng cường năng lực nông dân về các biện pháp canh tác và quản lý cà phê bền vững; tập huấn về tái canh cà phê. Đồng thời, chuyển giao công nghệ tưới tiết kiệm; xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng công phục vụ sản xuất như đường nội đồng, đường điện, trạm bơm, kênh dẫn nước; thành lập các nhóm nông dân sản xuất và tái canh cà phê bền vững.

Bên cạnh đó, nâng cấp và tăng cường kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất giống cà phê… có ý nghĩa lớn đối với địa phương trong việc phát triển cà phê bền vững, nâng cao giá trị ngành hàng cà phê. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập của người trồng cà phê, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Dự án VnSAT do Ngân hàng Thế giới tài trợ và được triển khai thực hiện tại 5 tỉnh Tây Nguyên với hợp phần phát triển cà phê bền vững và Quản lý dự án. Tại tỉnh Đắk Nông, dự án được triển khai ở các huyện Đắk Mil, Đắk Glong, Đắk R’lấp, Krông Nô, Đắk Song và thị xã Gia Nghĩa, với nguồn vốn khoảng hơn 260 tỷ đồng, trong giai đoạn (2015 -2020).
Anh Dũng

Có thể bạn quan tâm