Hiệu quả từ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái

Hiệu quả từ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái
Nông dân xã Thanh Lợi, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) sử dụng máy bay không người lái phun xịt thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN
Nông dân xã Thanh Lợi, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) sử dụng máy bay không người lái phun xịt thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Vừa qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông đã tổ chức hội thảo ứng dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng lúa cho người dân xã Phú Thọ. Qua đánh giá, hiệu quả mang lại là giảm lượng thuốc sử dụng, tránh tồn dư hóa chất trên sản phẩm lúa sau thu hoạch, không giẫm đạp lúa trong quá trình phun nên tăng thêm sản lượng lúa từ 150 - 200 kg/ha và ít tốn công lao động, hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động do không tiếp xúc trực tiếp với hóa chất.

Anh Nguyễn Hoàng Tú, ấp 5, xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười cho biết, anh đã mạnh dạn đầu tư 2 thiết bị bay không người lái, với số tiền 1,4 tỷ đồng để làm dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật. Thiết bị bay phun xịt thuốc bảo vệ thực vật giúp liều lượng thuốc phun được bám đều trên lá lúa, cây sen… phun đồng đều, không bị chỗ ít, chỗ nhiều.

Trước đây, nhân công xịt thuốc bảo vệ thực vật bằng bình đeo sau lưng nhiều khi phun xịt bỏ sót diện tích hoặc xịt không đều. Công suất máy bay của anh Tú hoạt động 1 giờ phun xịt từ 7-10 ha lúa với giá công phun xịt từ 140.000 - 160.000 đồng/ha.

Khi lúa, sen, cây trồng khác bị dịch bệnh, sử dụng thiết bị này vừa nhanh vừa kịp thời dập dịch bệnh trên cây trồng, giải quyết được nhân công lao động, tránh độc hại cho người dân. Tiền công phun xịt tính ra tương đương phun xịt bằng tay vì tiết kiệm từ 20-30% lượng thuốc phun xịt trên lúa.

Thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật chứa được 15 lít thuốc để phun xịt. Máy sử dụng công nghệ phun ly tâm, giúp lượng thuốc phun bám đều trên lá lúa. Hoat động 2 tháng, với 2 chiếc máy bay, anh Tú đã phun xịt thuốc  bảo vệ thực vật cho gần 1.000 lúa, sen, cây trồng khác trong vùng, hướng tới với hoạt động hiệu quả của máy như hiện nay, anh sẽ phát triển thêm, giúp người dân kịp thời có phương phun xịt thuốc, tránh được tình trạng khan hiếm nhân công phun xịt như hiện nay. Tính ra nếu máy hoạt động tốt trong vòng 2-3 năm là thu hồi lại vốn.

Ông Lê Văn Rạng, ở ấp 5, xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười trồng gần 2 ha sen cho biết, hàng chục năm ông trồng sen phải phun xịt thuốc bằng bình xịt vác vai, xịt thuốc cho 1 ha phải mất 3-4 giờ, vừa lâu, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe. Giờ đây, ông thuê phun xịt thuốc cho cây sen bằng thiết bị bay giảm 50% lượng thuốc, nhưng hiệu quả vẫn bằng so với phun thuốc thủ công. Đồng thời, giúp giảm được độc hại cho người phun xịt bằng thủ công.
 
Nguyễn Văn Trí

Có thể bạn quan tâm