Hiệu quả từ những mô hình sản xuất rau an toàn tập trung ở Thanh Hóa

Hiệu quả từ những mô hình sản xuất rau an toàn tập trung ở Thanh Hóa
Phát triển trồng rau an toàn theo hướng VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phạm Trung Kiên - TTXVN
Phát triển trồng rau an toàn theo hướng VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao.
Ảnh: 
Phạm Trung Kiên - TTXVN
Thời gian qua, huyện Nông Cống đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người dân trồng rau an toàn. Đến nay huyện đã xây dựng được những cánh đồng trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung chủ yếu ở các xã Vạn Hòa, Tế Thắng, Thăng Long. Tại xã Vạn Hòa (Nông Cống) cánh đồng rau sạch được phát triển trên diện tích của cánh đồng truyền thống. Trước đây, có khoảng hơn chục hộ chuyên trồng rau bán, với diện tích chưa đầy 1 ha và chủ yếu tập trung 1 năm 2 vụ. Từ năm 2014, được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã Vạn Hòa đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap và phát triển diện tích trồng rau lên 3 ha. Tham gia sản xuất, các thành viên của Tổ hợp tác phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu chuẩn bị đất, ươm giống đến khâu chăm sóc, thu hoạch. Đến nay, sản phẩm rau an toàn của xã Vạn Thắng đã khẳng định được chất lượng và có mặt ở hầu hết các cửa hàng kinh doanh rau, củ quả, thực phẩm sạch trên địa bàn huyện Nông Cống và tỉnh Thanh Hóa. Bà Lê Thi Hoa, thành viên tổ hợp tác sản xuất rau an toàn tập trung của xã Vạn Hòa, Nông Cống chia sẻ, trồng rau an toàn phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt như nguồn đất phải sạch, không nhiễm các hóa chất độc hại đối với con người và môi trường; quy trình trồng rau sạch khá khắt khe, chỉ được dùng phân xanh, phân chuồng đã được ủ hoai mục, nguồn nước sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… So với cách trồng rau truyền thống thì trồng rau sạch theo hướng tập trung tuy có nhiều quy định ràng buộc, nhưng an toàn với cả người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện nay, trừ chi phí, 1 sào rau sạch cho thu nhập 5 - 7 triệu đồng/tháng, góp phần tích cực cho kinh tế gia đình. Tại huyện Quảng Xương, cùng với việc chỉ đạo chính quyền các xã tuyên truyền, vận động bà con nông dân thực hiện sản xuất chuyên canh theo hướng an toàn, huyện đã xây dựng vùng và ban hành chính sách hỗ trợ để mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn tập trung. Đến nay, Quảng Xương đã hình thành được vùng sản xuất rau an toàn tập trung theo quy trình VietGap tại xã Quảng Lưu, với diện tích 9 ha; vùng sản xuất rau tập trung theo hướng an toàn tại xã Quảng Yên, với diện tích 18,2 ha và mô hình sản xuất rau trong nhà lưới tại 2 xã Quảng Lưu, Quảng Hợp, với diện tích hơn 5.500 m2. Với mục tiêu đến năm 2020 chuyển đổi 600 ha đất sản xuất rau nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo quy trình VietGap, huyện Như Thanh đã giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương, bố trí vùng sản xuất rau an toàn theo hướng tập trung. Bên cạnh đó, huyện xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mở rộng diện tích trồng rau an toàn tập trung trên địa bàn. Cụ thể, huyện hỗ trợ 50 triệu đồng cho 1 ha rau an toàn tập trung chuyên canh; hỗ trợ 1 năm lãi suất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân vay vốn đầu tư sản xuất rau, quả an toàn ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, trên địa bàn huyện Như Thanh đã có hơn 100 ha sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Ông Đỗ Văn Kỳ, Trưởng phòng Trồng trọt - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 54 vùng sản xuất chuyên canh rau, quả an toàn, ở 21 huyện, thị xã, thành phố, với tổng diện tích khoảng 1.700 ha. Những địa phương hiện có diện tích rau an toàn lớn như Nông Cống, Quảng Xương, Như Thanh, Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, thành phố Thanh Hóa… Để sản phẩm rau, quả an toàn được người dân lựa chọn và tin dùng, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh tăng cường thẩm tra, cấp tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cùng với đó, chính quyền các địa phương cũng đang đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm rau, quả an toàn; đồng thời, xây dựng các cửa hàng, điểm giới thiệu sản phẩm các loại nông sản, thực phẩm an toàn. Định hướng đến năm 2020, toàn tỉnh phát triển hơn 3.000 ha sản xuất rau an toàn tập trung; 2.000 ha ớt, dưa chuột, ngô ngọt xuất khẩu…
Khiếu Tư

Có thể bạn quan tâm