Hiệu quả từ nghề kéo lúa bằng xe trâu

Hiệu quả từ nghề kéo lúa bằng xe trâu

Hiện nay, cánh đồng lúa ở xã biên giới Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đang thu hoạch vụ Đông Xuân. Thời điểm này cũng là lúc nghề kéo lúa bằng xe trâu vào mùa hoạt động nhộn nhịp, giúp người làm nghề này thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi vụ lúa.

Hiệu quả từ nghề kéo lúa bằng xe trâu ảnh 1Anh Nguyễn Văn Bé Sáu, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), có hơn 10 năm làm nghề kéo lúa bằng xe trâu. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Anh Nguyễn Văn Bé Sáu ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự điều khiển con trâu 4 năm tuổi tên Chim Ục kéo chiếc xe ra đồng chở lúa thuê. Cùng với xe trâu của anh Bé Sáu, có hơn 10 chiếc xe trâu khác của người dân cũng tất bật thu gom, đưa những bao lúa lên xe và chở ra điểm tập kết, cách đồng ruộng khoảng 1km.

Anh Nguyễn Văn Bé Sáu có hơn 15 năm hành nghề kéo lúa bằng xe trâu và hiện tại, anh nuôi 5 con trâu. Để trâu có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe, anh luân phiên mỗi ngày một con sẽ làm nhiệm vụ kéo lúa. Tuy làm thời vụ nhưng nghề kéo lúa bằng xe trâu cũng mang lại cho anh nguồn thu khá.

"Vào vụ thu hoạch lúa, tôi mang xe trâu đi kéo lúa thuê, thu nhập bình quân mỗi ngày được 400.000 - 500.000 đồng. Nghề kéo lúa bằng xe trâu chủ yếu là lấy công làm lãi, không tốn chi phí gì nhiều. Do làm nghề này lâu năm nên tôi có nhiều mối quen, vào mùa thu hoạch là tôi lại đến kéo lúa", anh Bé Sáu chia sẻ.
Hiệu quả từ nghề kéo lúa bằng xe trâu ảnh 2Tùy vào chiều dài quãng đường, tiền công vận chuyển mỗi bao lúa từ đồng ruộng đến điểm tập kết dao động từ 6.000 - 10.000 đồng. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Mỗi xe trâu có thể chở trung bình 15 - 18 bao lúa/chuyến (tương đương khoảng 1 tấn) và chở nhiều chuyến trong ngày. Tùy vào chiều dài quãng đường, tiền công vận chuyển mỗi bao lúa từ đồng ruộng đến điểm tập kết từ 6.000 - 10.000 đồng.

Anh Lê Văn Giang ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự đang nuôi 2 con trâu để kéo 2 cỗ xe. Anh Giang cho biết, anh có 1 con trâu 10 năm tuổi đã kéo xe nhiều năm và con còn lại 3 năm tuổi, mới tập cho kéo xe lúa vụ này. Nếu lúa nhiều, mỗi xe trâu chở được 7 - 10 chuyến/ngày, thu nhập hơn 1 triệu đồng. Sau mỗi chuyến kéo lúa, trâu sẽ được nằm nước, nghỉ ngơi khoảng 20 phút rồi tiếp tục đi kéo chuyến tiếp theo.

Hiệu quả từ nghề kéo lúa bằng xe trâu ảnh 3Sau mỗi chuyến kéo lúa, trâu sẽ được nằm nước, nghỉ ngơi khoảng 20 phút rồi tiếp tục đi kéo chuyến tiếp theo. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Những năm qua, tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp, từ khâu gieo sạ đến thu hoạch đều sử dụng máy móc nhằm nâng cao năng suất làm việc, giải phóng sức lao động. Xe chở lúa bằng động cơ có gắn bánh xích cũng dần dần thay thế cho những chiếc xe trâu. Tuy nhiên, nhiều nông dân ở huyện Hồng Ngự vẫn giữ thói quen sử dụng dịch vụ kéo lúa bằng xe trâu như mấy chục năm qua. Bên cạnh đó, nhiều nông dân cho rằng một lợi thế của xe trâu là ít gây ảnh hưởng tới mặt bằng của đồng ruộng trong quá trình di chuyển vì thường chỉ đi trên một lối chung.

Anh Nguyễn Văn Đạt ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự canh tác gần 1 ha lúa. Từ khi mua đất và sản xuất lúa tính đến nay là hơn 20 năm, gia đình anh Đạt đều thuê xe trâu vận chuyển lúa mỗi khi thu hoạch.

"Việc kéo lúa bằng xe trâu và bằng máy móc có chi phí tương đương nhau. Nhưng kéo bằng máy thì có khi máy bị hư hỏng, phải chờ đợi sửa chữa, mất thời gian, còn kéo bằng xe trâu thì tránh được tình trạng đó. Trâu di chuyển chậm nhưng có sức bền, dù đồng ruộng đất mềm hay lầy lội nhưng trâu vẫn kéo lúa được", anh Đạt cho hay.

Hiệu quả từ nghề kéo lúa bằng xe trâu ảnh 4Xe trâu kéo lúa nối đuôi nhau di chuyển trên cánh đồng ở xã biên giới Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp). Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Hiện kéo lúa bằng xe trâu là nghề thời vụ thường kéo dài khoảng 20 ngày/vụ lúa. Mỗi năm, người hành nghề này chỉ hoạt động từ 2 đến 3 vụ. Trung bình mỗi ngày, 1 xe trâu kéo lúa được ít nhất 7 chuyến, thu nhập trên dưới 1 triệu đồng, kết thúc mùa vụ, với 1 xe trâu giúp người dân có thêm nguồn thu hơn 12 triệu đồng.

Nhựt An

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm