Hiệu quả từ mô hình trồng măng tây trên vùng đất pha cát huyện Đất Đỏ

Hiệu quả từ mô hình trồng măng tây trên vùng đất pha cát huyện Đất Đỏ
Măng tây là loại thực phẩm chứa nhiều kali, canxi, sắt, vitamin A và vitamin C, giàu chất xơ và khoáng chất, có lợi cho sức khỏe. Chế biến loại thực phẩm này có thể sử dụng nhiều cách khác nhau: nấu súp, xào thịt bò hoặc hấp/luộc. Đây là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao và khá phù hợp trên vùng đất pha cát ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 
Chị Lương Thị Cẩm, ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ, thu hoạch măng tây. Ảnh: Hoàng Nhị -TTXVN
Chị Lương Thị Cẩm, ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ, thu hoạch măng tây. Ảnh: Hoàng Nhị -TTXVN

Chị Lương Thị Cẩm, ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt đầu trồng cây măng tây từ đầu năm 2018. Đến nay, hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng cây măng tây giúp chị có nguồn thu nhập ổn định so với trồng các rau ăn lá như trước đây. 

Gia đình chị Cẩm được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đất Đỏ lựa chọn là hộ trồng thí điểm cây măng tây trên diện tích 500m2 từ tháng 1/2018. Sau vụ thu hoạch đầu tiên, chị nhận thấy loại đất này phù hợp với giống măng tây nên mở rộng diện tích lên 6.000m2. Chị thăm quan, học tập kinh nghiệm tại tỉnh Bình Thuận trước khi trồng thử nghiệm, được hỗ trợ 1.000 cây giống và 30% lượng phân bón với tổng giá trị 14,5 triệu đồng.

Thời gian đầu, chị trồng thử nghiệm trên diện tích nhỏ. Sau 6 tháng, cây bắt đầu cho măng, bán được giá. Sản  phẩm măng tây được Công ty cổ phần Nông nghiệp sạch Sao Mai bao tiêu nên chị mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất. Hiện giá bán măng tây là 80.000 đồng/kg,  mức thu nhập này giúp gia đình chị có cuộc sống ổn định.

Chị Lương Thị Cẩm, ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ, bên vườn ươm măng tây. Ảnh: Hoàng Nhị -TTXVN
Chị Lương Thị Cẩm, ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ, bên vườn ươm măng tây. Ảnh: Hoàng Nhị -TTXVN

Cây măng tây thân yếu nên phải làm trụ, có dây cước cố định thân cây, trồng theo luống và có rãnh thoát nước. Khi cây ra măng, chỉ sau từ 2-3 ngày có thể thu hoạch và măng hái liên tục khoảng 3 tháng, sau đó nghỉ 1-1,5 tháng để cây đủ dưỡng chất, tiếp tục lên măng. Trường hợp chăm sóc tốt, cây có thể sống từ 6-8 năm, chị Cẩm chia sẻ bí quyết để cây măng tây đạt hiệu quả kinh tế cao.

Đến nay, chị Cẩm đã thành thạo kỹ thuật trồng măng tây. Kết quả thu về những ngọn măng mập, chất lượng cao và có thể tự gieo hạt, ươm cây giống. Chị Cẩm dành 1.000m2 để ươm cây con và đã bán vài trăm gốc cây giống cho một số hộ nông dân trong và ngoài huyện trồng thử.

Theo đánh giá của Hội Nông dân huyện Đất Đỏ, măng tây xanh phù hợp với vùng đất cát, dễ trồng, hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục tìm kiếm các đơn vị bao tiêu sản phẩm để nhân rộng mô hình này trên địa bàn huyện, nâng thu nhập cho nông dân tại địa phương.
Hoàng Nhị
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm