Hiệu quả từ mô hình “Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản”

Hiệu quả từ mô hình “Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản”

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 6.200 phương tiện đánh bắt hải sản, trong đó có hơn 2.700 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên thường xuyên đánh bắt hải sản xa bờ.

Hiệu quả từ mô hình “Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản” ảnh 1

Tàu đánh bắt thuỷ sản của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang chờ ra khơi
(Ảnh: K.V)

Để bà con ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ đạt hiệu quả cao, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thành lập ra các mô hình Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản. Mô hình Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản được thành lập dựa trên các tiêu chí: Cùng nghề, cùng ngư trường, cùng địa phương cư trú, cùng dòng họ để đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong phòng tránh thiên tai, cứu hộ cứu nạn. Từ khi mô hình này được hình thành và phát triển, các ngư dân đã mạnh dạn hơn trong việc vươn ra những ngư trường lớn đánh bắt hải sản.

Theo đó, các ngư dân không hoạt động riêng lẻ mà thành lập từng Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản từ 5 đến 10 chiếc tàu trở lên, sau khi đánh bắt từ 15 đến 20 ngày thay nhau luân chuyển hải sản vào bờ. Cách tổ chức đánh bắt theo mô hình trên đã góp phần giảm thời gian di chuyển và tăng thời gian bám biển cho đội tàu, giảm lượng dầu tiêu hao từ 500 đến 900 lít/tàu/chuyến biển; đồng thời, tăng chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau khai thác và tăng lợi nhuận từ 7% đến 10%. 

Từ hiệu quả của mô hình trên, nhiều chủ tàu ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã tự nguyện tham gia vào Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản. Nhiều chủ tàu nhận định, từ khi có Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản, các thuyền viên và chủ tàu đã thấy an tâm hơn khi vươn khơi bám biển dài ngày. Ngoài ra, lực lượng kiểm ngư, biên phòng, cảnh sát biển luôn đồng hành với ngư dân trong các chuyến bám biển. Do vậy, ngư dân luôn nhận được sự trợ sức mạnh mẽ và yên tâm vươn khơi, sản xuất ở vùng biển phía Nam của Tổ quốc. Đồng thời, việc hợp tác đánh bắt hải sản thời gian qua đã giúp cho ngư dân mạnh dạn vươn khơi đánh bắt tại các ngư trường lớn. Các thành viên trong Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản ở Bà Rịa – Vũng Tàu còn được hỗ trợ ngư cụ, hệ thống máy tầm ngư và thiết bị định vị. Do đó, khi có sự cố xảy ra, thông tin được chuyển đến các đơn vị chức năng cũng như các tàu cá được kịp thời. Mỗi Tổ, Đội đoàn kết đánh bắt hải sản như một trạm tiền tiêu trên biển, trong đó, các tổ viên luôn phát huy tinh thần đoàn kết, cùng nhau bám biển khai thác hải sản, đồng thời khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ngoài ra, mô hình hợp tác sản xuất khai thác hải sản theo hình thức Tổ, Đội đoàn kết đánh bắt hải sản đã góp phần quan trọng trong việc phát triển khai thác hải sản, cũng như phát huy tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau trong đánh bắt hải sản, tiêu thụ sản phẩm, kinh nghiệm sản xuất, chia sẻ thông tin về ngư trường, thời tiết, phòng chống thiên tai, tai nạn, cứu hộ, cứu nạn và đấu tranh với các hành vi vi phạm chủ quyền, an ninh trật tự, tài nguyên quốc gia trên các vùng biển Việt Nam.

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có chiều dài bờ biển hơn 305km. Sản lượng hải sản khai thác hàng năm trên dưới 250.000 tấn. Đây là một trong những trung tâm nghề cá lớn của cả nước. Nhiều năm qua, ngành thủy sản của tỉnh đã góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương cũng như cả nước. 

Được biết, hiện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã vận động thành lập được trên 100 Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản, gồm gần 600 phương tiện tham gia với khoảng 1.000 thành viên. Ông Nguyễn Đức Hoàng - Chi cục phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục rà soát lại hoạt động của các Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản, những tổ, đội chuyên khai thác vùng biển xa được thành lập theo từng nghề như: Lưới kéo, câu, lưới vây, lưới rê… Đồng thời, kiến nghị Nhà nước có chính sách ưu đãi riêng nhằm khuyến khích bà con ngư dân tham gia vào Tổ để cùng nhau khai thác, bảo vệ tài nguyên biển, chung sức bảo vệ chủ quyền biển và hải đảo Việt Nam./.

Theo dangcongsan.vn

Có thể bạn quan tâm