Hiệu quả từ mô hình liên kết trong phát triển sản xuất ở Cao Lộc

Hiệu quả từ mô hình liên kết trong phát triển sản xuất ở Cao Lộc
Lên kết giữa HTX Hợp Thịnh, doanh nghiệp và các hộ nông dân, năm 2017, mô hình trồng cây dược liệu Hoàn ngọc đã cho kết quả tốt. Ảnh: Ngọc Tùng - TTXVN
Lên kết  giữa HTX Hợp Thịnh, doanh nghiệp và các hộ nông dân, năm 2017, mô hình trồng cây dược liệu Hoàn ngọc đã cho kết quả tốt. Ảnh: Ngọc Tùng - TTXVN
Được thành lập vào năm 2006 và chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật Hợp tác xã vào năm 2014, nhờ liên kết tốt, đến nay sản xuất và kinh doanh của Hợp tác xã Hợp Thịnh liên tục mở rộng với tổng vốn đầu tư trên 43 tỷ đồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho xã viên. Hợp tác xã Hợp Thịnh hiện có tổng đàn lợn hơn 800 con nái sinh sản và gần 1.000 con lợn thịt, cùng với đó là 10 ha dược liệu hoàn ngọc, cà gai leo. Theo Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Hợp Thịnh, Lý Bích Linh, Ban quản trị của hợp tác xã nhận thức được rằng, việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị có vai trò rất quan trọng quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, Hợp Thịnh đã ký hợp đồng với Công ty TNHH De Heus (hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi do Hà Lan đầu tư có trụ sở tại Việt Nam) hình thành chuỗi liên kết khép kín từ cung cấp thức ăn, tổ chức chăn nuôi, quy trình giết mổ tập trung cho đến phân phối sản phẩm nên đầu ra sản phẩm được bao tiêu và thu mua cao hơn giá thị trường.
Nông dân tham gia trồng cây dược liệu cung cấp cho HTX Hợp Thịnh. Ảnh: Ngọc Tùng - TTXVN
Nông dân tham gia trồng cây dược liệu cung cấp cho HTX Hợp Thịnh.
Ảnh: Ngọc Tùng - TTXVN
Trong lĩnh vực sản xuất trà thảo dược, Hợp tác xã Hợp Thịnh ký hợp đồng cung cấp cây giống và bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần nông nghiệp CNC Thăng Long Hà Nội; liên kết với các tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh sản xuất theo hình thức tạo vùng nguyên liệu các loại thảo dược hoàn ngọc, cà gai leo. Người sản xuất tham gia chuỗi liên kết được hợp tác xã bố trí cán bộ kỹ thuật đến tham vấn về kỹ thuật trồng, quy trình chăm sóc phù hợp; theo dõi quá trình phát triển của cây dược liệu để lập kế hoạch thu mua, tiêu thụ một cách hợp lý và chủ động. Nhờ đó, năng suất và chất lượng của cây dược liệu tăng cao. Giám đốc Lý Bích Linh cho biết, trong năm vừa qua, năng suất bình quân đối với mỗi ha dược liệu đạt 60 tấn. Với giá bán được bao tiêu, bình quân mỗi ha giúp người nông dân thu về 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cho lãi khoảng 158 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, Hợp tác xã Hợp Thịnh tiếp tục mở rộng vùng trồng dược liệu như nghệ đen, đinh lăng, hà thủ ô đỏ, hoàn ngọc, cà gai leo… lên đến hơn 40 ha. Dự kiến trong năm 2018, hợp tác xã thu mua cho người dân 800 tấn nghệ đen, 600 tấn hoàn ngọc và cà gai leo với tổng giá trị khoảng 8,6 tỷ đồng.
Xã viên Hợp tác xã Hợp Thịnh chăm sóc đàn heo nái theo quy trình khép kín. Ảnh: Ngọc Tùng - TTXVN
Xã viên Hợp tác xã Hợp Thịnh chăm sóc đàn heo nái theo quy trình khép kín. Ảnh: Ngọc Tùng - TTXVN
Những thành công nhờ mô hình liên kết trong sản xuất kinh doanh đã giúp Hợp tác xã Hợp Thịnh có được doanh thu trên 10,3 tỷ đồng vào năm 2017, đảm bảo thu nhập ổn định cho người lao động ở mức bình quân 5,5 triệu đồng/tháng cùng với chế độ tài trợ 100% chi phí ăn ở, sinh hoạt với đầy đủ các chế độ bảo hiểm. Giám đốc Lý Bích Linh cho biết, trong thời gian tới, Hợp tác xã Hợp Thịnh sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi lên thêm 1.000 con lợn thịt và nhân rộng diện tích trồng dược liệu các loại lên trên 200 ha. Ngoài ra, hợp tác xã cũng có kế hoạch liên kết với Viện Dược liệu trong việc nghiên cứu, phát triển sản xuất tại Lạng Sơn giống cây lan kim tuyến – một trong những giống cây thuốc vô cùng quý có giá trị kinh tế cao.
Ngọc Tùng

Có thể bạn quan tâm