Hiệu quả từ mô hình liên kết sản xuất ngô sinh khối

Mô hình trồng Ngô ở huyện Phước Long cho hiệu quả cao gấp 4 lần trồng lúa. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN
Mô hình trồng Ngô ở huyện Phước Long cho hiệu quả cao gấp 4 lần trồng lúa. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Sau một thời gian dài triển khai thực hiện mô hình trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi gia xúc trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, đến nay mô hình đã đem lại hiệu quả cao cho người sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập trên diện tích canh tác ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Hiệu quả từ mô hình liên kết sản xuất ngô sinh khối ảnh 1 Mô hình trồng Ngô ở huyện Phước Long cho hiệu quả cao gấp 4 lần trồng lúa. Ảnh: Tuấn Kiệt - TTXVN



Vụ Xuân năm 2022, hợp tác xã Nông nghiệp Lâm Thao, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao đã triển khai xây dựng thí điểm mô hình chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ngô sinh khối với diện tích 7ha. Qua thử nghiệm cho thấy, ngô sinh khối được hợp tác xã Nông nghiệp Lâm Thao lựa chọn là giống ngô NK7328, thời gian bắt đầu trồng cho đến khi thu hoạch chỉ khoảng 75 - 85 ngày, ngắn hơn trồng ngô lấy hạt. Chất lượng cây ngô xanh khi thu hoạch vào giai đoạn chín sáp có dưỡng chất đầy đủ và cao nhất nên khi trâu, bò thịt, bò sữa ăn sẽ cho chất lượng thịt tốt.

Chị Bùi Thị Thanh, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm Thao chia sẻ, trồng ngô sinh khối rất dễ trồng, dễ chăm sóc, mật độ cây mau hơn, tỷ lệ mắc sâu bệnh cũng ít hơn so với ngô thường trồng lấy bắp và lấy hạt, do đó, ngô này sẽ đạt hiệu quả cao hơn và có thể trồng được 3 vụ/ năm, hiệu quả kinh tế mang lại rất rõ rệt...

Ông Nguyễn Tiến Lương, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm Thao cho hay, sau một thời gian trồng và chăm sóc, 7 ha ngô sinh khối đã cho thu hoạch với năng xuất trung bình đạt 55 tấn/ha. Để tiếp tục thực hiện mô hình này, hợp tác xã thực hiện liên kết với bà con nông dân các xã mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối trong toàn huyện. Đồng thời, liên kết phối hợp với Trung tâm giống cây trồng Bắc Giang bao tiêu sản phẩm với giá bán dao động khoảng 1.000 đồng/kg cây tươi, lợi nhuận từ 30-35 triệu đồng/ha/vụ.

Thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương, tổ chức lại sản xuất để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa. Từ năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hướng dẫn người dân tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất ngô sinh khối theo hình thức liên kết sản xuất với các doanh nghiệp để chế biến, xuất khẩu.

Hiện đã có nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết, thu mua sản phẩm ở các địa phương như: Tập đoàn Hòa Phát, Công ty cổ phần Giống và thức ăn chăn nuôi T&T 159 Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Hương Hà (Tuyên Quang). Nhờ đó, từ 500 ha trồng ngô sinh khối năm 2020, đến năm 2021 đã mở rộng diện tích lên đến hơn 800 ha, trong đó nhiều địa phương đã trồng tập trung quy mô lớn như: Thanh Thuỷ 320 ha, Hạ Hoà 210 ha…

Theo tính toán, 1 ha ngô lấy thân lá được canh tác trong khoảng thời gian 75-80 ngày cho năng suất từ 45 -50 tấn/ha/vụ, với giá bán trung bình 0,8 triệu đồng/tấn, nông dân thu về khoảng 35 - 40 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 15 - 20 triệu đồng/ha/vụ, so với sản xuất ngô hạt truyền thống trồng ngô sinh khối cho tổng thu cao hơn 12 triệu đồng/ha. Ngô sinh khối trồng được 3 vụ/năm; trong đó, vụ Đông là vụ có tiềm năng mở rộng diện tích do có quỹ đất phát triển, đặc biệt trên đất lúa 2 vụ và nhu cầu thức ăn thô xanh dự trữ cho gia súc trong mùa đông.

Tuy nhiên, sản xuất ngô sinh khối trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, khó khăn như: quy mô, diện tích liên kết sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; chưa hình thành các vùng hàng hóa có quy mô lớn gắn với thị trường theo chuỗi giá trị bền vững; năng suất, sản lượng còn hạn chế, chưa có sức hút đối với các đơn vị thu mua sản phẩm; cơ chế liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người dân chưa chặt chẽ... Mặt khác, hiện nay ở nhiều địa phương người dân dù bỏ ruộng hoang, nhưng lại không muốn cho người khác mượn hoặc cho thuê ruộng. Đây là nút thắt rất khó giải quyết để đẩy mạnh sản xuất ngô sinh khối tập trung…

Ông Lê Toàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ cho biết, Phú Thọ có tiềm năng rất lớn để phát triển liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ ngô sinh khối. Với diện tích khoảng 16 - 17 nghìn ha ngô hàng năm có thể chuyển sang liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi, trong đó diện tích đất để sản xuất ngô Đông khoảng 8.000-10.000ha.

Theo ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông nghiệp Minh Anh, xã Bằng Giã, huyện Hạ Hoà, Công ty có 2 trang trại bò BBB với 200 bò nái và gần 300 bò thịt, là điểm nhân giống tới 15 cơ sở với số lượng khoảng 300 con bê mỗi năm, xuất bán khoảng 60 tấn bò thịt cho thị trường. Vì thế, mỗi ngày cần lượng thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi khá lớn. Công ty đã liên kết với với 7 hộ tại địa phương để trồng ngô sinh khối; đồng thời thu mua ngô của người dân với giá 1 - 1,2 triệu đồng để ủ làm thức ăn phục vụ cho trại chăn nuôi bò và cung cấp cho các trại và hộ chăn nuôi trên địa bàn với mức tiêu thụ 15 - 20 tấn thức ăn/ngày.

Theo kế hoạch vụ Đông năm 2022 Phú Thọ phát triển sản xuất cây ngô sinh khối với mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối toàn tỉnh đạt trên 1,4 nghìn ha, năng suất bình quân đạt 50 tấn/ha, sản lượng đạt trên 70 nghìn tấn, giá trị thu nhập ước đạt trên 56 tỷ đồng.

Ông Phan Văn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ cho hay, đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã triển khai gieo trồng được 250ha và đang được người dân triển khai gieo trồng đồng loạt trên diện tích đã quy hoạch trước đó.

Về chỉ đạo sản xuất theo kế hoạch, tỉnh Phú Thọ đã và đang tiếp tục rà soát các vùng sản xuất ngô sinh khối hiện có, tiếp tục vận động, khuyến khích người tích tụ, tập trung đất đai, tận dụng tối đa diện tích đất sản xuất vụ Đông, đất màu, đất bãi ven sông, đất đồi đang sản xuất kém hiệu quả, đất hoang hóa.... để mở rộng diện tích sản xuất để hình thành các vùng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, có sản lượng ổn định đáp ứng nhu cầu của các đơn vị thu mua. Tăng cường phối hợp, liên hệ với các đơn vị thu mua, xác định, làm rõ nhu cầu thị trường đầu ra, xây dựng cơ chế hợp tác, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân thông qua hợp đồng.

Bên cạnh đó, tổ chức hội nghị kết nối, liên kết sản xuất - tiêu thụ để người sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp thống nhất về cơ chế hợp 3 tác, liên kết (về cung ứng giống, vật tư phân bón, cơ chế thu mua, chất lượng sản phẩm, giá cả, hình thức thanh toán….). Từ đó, có kế hoạch cụ thể và tổ chức sản xuất, thu mua sản phẩm đảm bảo vận hành đồng bộ, hài hòa lợi ích các bên nhằm tạo lập và duy trì các liên kết bền vững; trước mắt tập trung kết nối với các doanh nghiệp đã và đang thu mua ổn định nhiều năm trên địa bàn tỉnh…


Tạ Văn Toàn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm