Hiệu quả từ mô hình khuyến nông tiên tiến trên cây lúa ở Kiên Giang

Hiệu quả từ mô hình khuyến nông tiên tiến trên cây lúa ở Kiên Giang

Vụ Hè Thu 2020, tỉnh Kiên Giang thực hiện nhiều mô hình khuyến nông tiên tiến trên cây lúa theo hướng giảm lượng giống gieo sạ và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Hiệu quả từ mô hình khuyến nông tiên tiến trên cây lúa ở Kiên Giang ảnh 1Thăm ruộng lúa cho hiệu quả cao tại tỉnh Kiên Giang.Ảnh : Lê Sen

Theo Trung Tâm khuyến nông tỉnh Kiên Giang, thực hiện mô hình canh tác lúa tiên tiến, tổng diện tích 128 ha tại 3 huyện Tân Hiệp, Hòn Đất, Châu Thành và thành phố Rạch Giá. Nông dân gieo sạ 4 giống lúa là GKG, OM576, ST24 và Đài Thơm 8, sản xuất theo hướng cấy lúa bằng máy, giảm lượng giống, phân bón, thuốc trừ sâu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình canh tác trên đồng ruộng.

Kết quả mô hình này so với sản xuất lúa bình thường giảm lượng giống 90 kg/ha, phân đạm 20 kg/ha, giảm số lần phun thuốc trừ sâu, bệnh 2 - 3 lần/vụ, giảm đáng kể mật số rầy nâu trên ruộng lúa, hạn chế đổ ngã, giảm thất thoát sau thu hoạch. Năng suất bình quân 7,6 tấn/ha, so với lúa sạ lan bình thường cao hơn 0,6 tấn/ha và lợi nhuận cao hơn khoảng 6,6 triệu đồng/ha.

Tiếp đến là mô hình lúa sạ bụi diện tích 68 ha thực hiện tại 2 huyện Giang Thành và Gò Quao, với 2 giống lúa OM18 và Đài thơm 8. Kết quả chi phí sản xuất của mô hình này giảm hơn 2,2 triệu đồng/ha từ việc giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Năng suất bình quân hơn 6 tấn/ha, so với lúa sạ lan bình thường, năng suất cao hơn 500 kg/ha, giá lúa hàng hóa cao hơn 100 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn khoảng 5,5 triệu đồng/ha.

Theo nông dân ở đây cho biết, đây là mô hình thích hợp cho sản xuất lúa hàng hóa giảm chi phí, giảm lượng giống và công lao động nhưng vẫn đảm bảo năng suất, lợi nhuận.

Cùng với đó là sản xuất “Cánh đồng lớn” đáp ứng vùng nguyên liệu và ứng phó biến đổi khí hậu. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang trong vụ Hè Thu 2020 thực hiện 2.700 ha tại 9 huyện. Các cánh đồng lớn quy mô, sản xuất tập trung, sử dụng cùng một giống lúa gieo sạ nhằm tạo ra sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của hợp tác xã và xây dựng cánh đồng lớn theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh liên kết tiêu thụ phù hợp xu hướng thị trường.

Sản xuất cánh đồng lớn sử dụng giống cấp xác nhận gieo trồng, thực hiện quy trình kỹ thuật “1 phải - 5 giảm”, gieo sạ mật độ 100 kg/ha trở xuống, sử dụng gói sản phẩm hữu cơ vi sinh trong canh tác để giảm lượng phân bón vô cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm lúa. Kết quả thực hiện cánh đồng lớn này nằng suất lúa bình quân 6,8 tấn/ha cao hơn ngoài mô hình 0,2 tấn/ha, giảm chi phí thấp hơn ngoài mô hình khoảng 2 triệu đồng/ha và tăng lợi nhuận lên hơn 3 triệu đồng/ha, tạo ra lúa chất lượng cao.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Đỗ Minh Nhựt cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh bước đầu thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và tăng dần số lượng giống cấp xác nhận, có chất lượng tốt, giảm lượng giống gieo sạ, chi phí trong sản xuất; tập huấn chuyển giao quy trình “1 phải - 5 giảm” vào thực tế đồng ruộng, góp phần giảm giá thành sản xuất, nâng cao giá trị lúa gạo và tăng thêm thu nhập cho nông dân. Cùng đó giảm những tác động xấu đến môi trường, gắn kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, xây dựng quy trình sản xuất an toàn và bền vững.

Vụ Đông Xuân 2020 - 2021, Trung Tâm khuyến nông tỉnh Kiên Giang triển khai mô hình lúa cấy tiên tiến 212 ha tại các huyện Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Gò Quao, Giồng Riềng với mật độ gieo sạ 80 kg/ha; mô hình lúa sạ bụi 232 ha tại các huyện Tân Hiệp, Châu Thành, Gò Quao, Giồng Riềng, Giang Thành.

Cùng với duy trì sản xuất “Cánh đồng lớn” đáp ứng vùng nguyên liệu và ứng phó biến đổi khí hậu đã thực hiện 2.700 ha tại 9 huyện vụ Hè Thu trong vụ Đông Xuân 2020 - 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục triển khai 600 ha tại 2 huyện An Biên và U Minh Thượng; tổ chức sản xuất gắn kết với các doanh nghiệp để giúp nông dân lựa chọn giống lúa gieo sạ đáp ứng nhu cầu bao tiêu thu mua lúa hàng hóa của doanh nghiệp. Qua đó, góp phần tái cơ cấu ngành sản xuất lúa của tỉnh Kiên Giang theo hướng sản xuất tiên tiến, hiện đại, nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm lúa gạo và tăng thu nhập cho nông dân.

Lê Huy Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm