Hiệu quả từ mô hình hỗ trợ sinh kế bền vững cho thanh niên dân tộc thiểu số tại Đà Nẵng

Nhằm tạo điều kiện cho lớp trẻ lập nghiệp, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, Thành đoàn Đà Nẵng thực hiện mô hình hỗ trợ sinh kế bền vững cho thanh niên dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức như tặng cây giống, vật nuôi, chuyển giao kiến thức, công nghệ… Mô hình này bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp thanh niên nghèo dân tộc thiểu số cải thiện đời sống, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp.

Từ năm 2020 đến nay, Thành đoàn Đà Nẵng thường xuyên tổ chức các chương trình trao sinh kế từ cây giống, vật nuôi đến tập huấn hỗ trợ cho thanh niên dân tộc Cơ Tu tại huyện Hòa Vang. Riêng trong năm 2021, tại huyện Hòa Vang, Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức trao tặng 20.000 giống cây keo lá tràm cho 2 hộ gia đình thanh niên và thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ 1 vườn ươm cây thanh niên tại xã Hòa Bắc và 20.000 cây giống cho 2 hộ thanh niên; triển khai mô hình “Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi” cho thanh niên dân tộc có hoàn cảnh khó khăn, phát triển kinh tế với 10 con lợn giống và 600 con gà giống. Tháng 3/2022, Thành đoàn Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ 30.000 cây giống keo lá tràm cho thanh niên phát triển kinh tế và trao tặng “Vườn cây thanh niên” cho gia đình đoàn viên khó khăn tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.

Hieu qua tu mo hinh ho tro sinh ke ben vung cho thanh nien dan toc thieu so tai Da Nang hinh anh 1 Thanh niên khó khăn được Thành Đoàn Đà Nẵng hỗ trợ cây giống. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN

Các đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số huyện Hòa Vang sau khi nhận được hỗ trợ đều quyết tâm chăm sóc, nuôi trồng để nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế gia đình, đồng thời nhân rộng mô hình hiệu quả cho các hộ thanh niên khó khăn khác. Anh Trần Quốc Tuấn (trú tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) là người dân tộc Cơ Tu thuộc diện khó khăn. Năm 2021, anh Tuấn được Thành đoàn Đà Nẵng tặng 2 con lợn giống và hướng dẫn cách chăn nuôi. Nhờ chăm sóc đúng cách, đến nay anh Tuấn đã gây dựng được đàn lợn, mang lại nguồn thu cho gia đình. Anh Trần Quốc Tuấn chia sẻ: “Được hỗ trợ sinh kế, tôi và gia đình có thêm động lực làm việc, cải thiện đời sống. Từ cặp lợn giống, gia đình tôi đã chăm sóc và phát triển thành đàn lợn với 10 con nhỏ. Tôi thấy tràn đầy hy vọng vào tương lai tương sáng”.

Cũng như anh Tuấn, chị Bùi Thị Hạnh và anh Bùi Văn Dũng(trú tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) cũng được tặng cây giống để phát triển kinh tế. Anh Bùi Văn Dũng tâm sự: “Sau khi được Đoàn thanh niên hỗ trợ, gia đình tôi đã tập trung trồng, chăm sóc cây. Hiện nay vườn cây đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Từ mô hình này, tôi đã giúp đỡ thanh niên khó khăn khác về cách nhân giống và chăm sóc cây mang lại hiệu quả cao. Tôi thấy mô hình hỗ trợ sinh kế cho thanh niên khó khăn rất thiết thực và hiệu quả”.

Theo Phó Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng Nguyễn Bá Duân, nhiều năm qua, Thành đoàn Đà Nẵng đã thực hiện linh hoạt mô hình trao sinh kế, giúp đoàn viên, thanh niên khó khăn trên địa bàn vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế ổn định. Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc trao tặng nguồn sinh kế bền vững sẽ giúp các hộ thanh niên dân tộc thiểu số khó khăn dần ổn định cuộc sống. Thành đoàn Đà Nẵng cũng xác định đây là mô hình mở hướng thoát nghèo, tạo động lực vươn lên làm kinh tế cho đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số.

Hieu qua tu mo hinh ho tro sinh ke ben vung cho thanh nien dan toc thieu so tai Da Nang hinh anh 2Thanh niên khó khăn hưởng thành quả nhờ mô hình hỗ trợ sinh kế của Thành Đoàn Đà Nẵng. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN

Các mô hình vườn cây thanh niên, trao con giống cho thanh niên dân tộc thiểu số đã bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra hướng đi, cách làm kinh tế mới, phù hợp với thanh niên địa phương. Thông qua các hoạt động trao sinh kế, Thành đoàn Đà Nẵng mong muốn phát huy tính xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ thành phố hướng về đồng bào, thanh niên dân tộc thiểu số, tạo động lực để các thanh niên có điều kiện để phát triển kinh tế.

Văn Dũng – Xuân Quý

 

Tin liên quan

Tạo mô hình sinh kế để bảo vệ rừng bền vững

Phát triển các chuỗi giá trị các sản phẩm công nghiệp giá trị cao hay du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng là giải pháp giúp bảo vệ rừng một cách bền vững. Đây là nội dung các ý kiến được đưa ra tại diễn đàn khuyến nông trực tuyến: Giải pháp phát triển sinh kế bền vững tại vùng đệm một số khu bảo tồn, vườn quốc gia, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 24/12.


"Thuần hóa” đặc sản rau rừng, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

Rau nhíp rừng đã gắn bó với đời sống sinh hoạt đồng bào S’Tiêng ở Bình Phước từ rất lâu đời. Trước kia, người dân phải vào rừng sâu hái đọt, lá rau nhíp để nấu trong bữa ăn hàng ngày. Vài năm trở lại đây, đồng bào S’Tiêng đã biết cách “thuần hóa” loại rau rừng này để trồng dưới tán cây điều và một số cây trồng khác, tạo sinh kế bền vững.



Đề xuất