Hiệu quả từ mô hình “Dòng họ bình yên” ở vùng cao Điện Biên

Hiệu quả từ mô hình “Dòng họ bình yên” ở vùng cao Điện Biên
Trưởng các dòng họ Lường, Quàng xã Mường Ðun trao đổi kinh nghiệm giáo dục con cháu. Ảnh: danvan.vn
Trưởng các dòng họ Lường, Quàng xã Mường Ðun trao đổi kinh nghiệm giáo dục con cháu. Ảnh: danvan.vn

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Tủa Chùa Lý A Tùng cho biết, huyện có 202 nhóm dòng họ, trong đó dân tộc Mông gần 20 dòng họ, chia thành gần 150 nhóm; dân tộc Thái 15 dòng họ, chia thành 35 nhóm; dân tộc Dao 8 dòng họ; dân tộc Khơ-mú, Phù Lá có 4 dòng họ. Khi xây dựng mô hình “Dòng họ bình yên”, các dòng họ đều lấy già làng, trưởng dòng họ là “hạt nhân nền tảng”, trên cơ sở tự nguyện của những gia đình trong dòng họ. Các mô hình đều tự xây dựng quy ước, hương ước phù hợp phong tục, tập quán của cộng đồng dân tộc mình để làm tiêu chí hoạt động.

Hương ước, quy ước của mỗi dòng họ tuy khác nhau nhưng đều hướng đến việc giáo dục, quản lý con cháu trong dòng họ, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, từ bỏ hủ tục lạc hậu và giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.

Tại thị trấn Tủa Chùa, mô hình “Dòng họ bình yên” của dòng họ Vì đã xây dựng quỹ khuyến học, phát động đóng góp quỹ 1 triệu đồng/hộ/năm. Quỹ sẽ hỗ trợ, động viên con cháu học tập và duy trì đều đặn việc tổ chức lễ tuyên dương, phát thưởng cho các cháu có thành tích tốt trong học tập hằng năm. Bên cạnh đó, Quỹ chăm lo, chia sẻ khó khăn đối với các cháu có hoàn cảnh khó khăn biết phấn đấu vươn lên rèn luyện, học tập tốt.        

Ông Vì A Hao, Trưởng dòng họ Vì ở thị trấn Tủa Chùa cho biết, là giáo viên nghỉ hưu, Trưởng dòng họ, ông luôn trăn trở trước việc học tập của con, cháu trong dòng họ. Từ những kiến thức, kỹ năng giáo dục sư phạm có được, ông Hao đã xây dựng và đưa ra giải pháp khuyến khích con cháu thi đua học tập. Hàng năm, ông tổ chức hoạt động tuyên dương các cháu có tinh thần vượt khó trong học tập, đạt thành tích cao. Từ chính sách khuyến học, khuyến tài, dòng họ Vì trở thành điểm sáng trên địa bàn huyện Tủa Chùa về tinh thần hiếu học. Hiện dòng họ Vì đã có 7 người trình thạc sĩ, đại học. Các cháu trong dòng họ Vì khi đến tuổi đi học đều được đến trường đầy đủ. Ông Vì A Hao là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện Tủa Chùa, thường xuyên tham gia các lớp dạy chữ Mông trên địa bàn tỉnh.

Ông Giàng A Di, Trưởng dòng họ Giàng xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa chia sẻ, mô hình “Dòng họ bình yên” của dòng họ Giàng đã làm tốt việc tập hợp, vận động các gia đình trong dòng họ đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, gìn giữ bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc, dòng họ. Bên cạnh đó, các gia đình tích cực tham gia phong trào xây dựng văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở, không để xảy ra mâu thuẫn trong dòng họ, không có người trong dòng họ bị ảnh hưởng bởi hoạt động truyền đạo trái pháp luật, xuất cảnh trái phép, vi phạm pháp luật... Hằng năm, dòng họ Giàng đều sơ, tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của mô hình dòng họ, bổ sung nhiều tiêu chí, giải pháp trong mục tiêu hoạt động.

Ông Vừ A Tùng, Trưởng dòng họ Vừ, xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa cho biết: Ngoài xây dựng quy ước, hương ước của dòng họ, hằng năm, dòng họ Vừ tổ chức khen thưởng người có thành tích tốt trên các lĩnh vực. Trường hợp vi phạm quy ước, hương ước, pháp luật cũng được nêu ra để nhắc nhở, uốn nắn. Ngoài ra, dòng họ Vừ khuyến khích các hộ dân tham gia phát triển kinh tế; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào.

Đến nay, huyện Tủa Chùa có 122/202 mô hình “Dòng họ bình yên”, hoạt động rộng khắp từ trung tâm thị trấn, cho đến các xã phía Bắc vùng cao nguyên đá của huyện. Tại mỗi dòng họ bình yên, trưởng dòng họ, người uy tín đã phát huy tối đa vai trò, vị trí của mình trong việc tuyên truyền, vận động con cháu tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở thôn, bản, phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững từ các mô hình kinh tế tiêu biểu, xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng củng cố và phát triển. Ngoài ra, dòng họ phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, cung cấp hàng nghìn nguồn tin có giá trị mỗi năm để phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Điểm sáng tiêu biểu về mô hình “Dòng họ bình yên” ở Tủa Chùa có các dòng họ, như: Các dòng họ Mùa, Thào ở xã Sín Chải, dòng họ Hạng ở xã Tả Sìn Thàng, dòng họ Vừ ở xã Trung Thu, dòng họ Lờ ở xã Xá Nhè, dòng họ Vì ở xã Sính Phình, các dòng họ Sùng, Lý ở xã Lao Xả Phình…

Là địa phương thuộc diện khó khăn của tỉnh Điện Biên, Tủa Chùa có 7 cộng đồng dân tộc sinh sống, trong đó cộng đồng Mông chiếm 70%, Thái gần 20%, Dao hơn 4%... Đến nay, diện mạo nông thôn ở Tủa Chùa đã có sự đổi thay rõ nét. Bình quân các xã đạt 8,45/19 tiêu chí nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm 16,7% so với năm 2015. Tất cả các xã đã có đường ô tô đi đến trung tâm, trong đó 8/12 xã có đường nhựa đảm bảo đi lại 2 mùa, 123/143 thôn bản có điện lưới quốc gia... Những kết quả này có đóng góp một phần không nhỏ của mô hình “Dòng họ bình yên” trên địa bàn.

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể huyện Tủa Chùa thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tổ chức nhiều hội nghị sơ kết, tổng kết để đánh giá, biểu dương các trưởng dòng họ, người có uy tín; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức đối với các trưởng dòng họ, người uy tín. Cùng với đó, huyện tổ chức đi tham quan, trao đổi học tập các mô hình hoạt động ở địa phương khác để áp dụng vào mô hình “Dòng họ bình yên” trên địa bàn..., góp phần thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế, văn hóa - xã hội, an chính trị địa phương.
Tuấn Anh - Hải An

Có thể bạn quan tâm