Hiệu quả từ mô hình câu lạc bộ “Dưỡng sinh kinh lạc”

Hiệu quả từ mô hình câu lạc bộ “Dưỡng sinh kinh lạc”
Sau hơn 8 tháng tham gia câu lạc bộ “Dưỡng sinh kinh lạc”, bà Nguyễn Thảo Nhi, 72 tuổi, ở xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành thấy phấn chấn tinh thần vì sức khỏe cải thiện hơn trước rất nhiều. Với 20 động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển được thực hiện thường xuyên vào mỗi buổi sáng đã giúp cho bà và nhiều người cao tuổi khác giảm hẳn các triệu chứng đau nhức xương khớp, tê mỏi chân tay, khó ngủ, mệt mỏi. Bà Nhi chia sẻ: Là phụ nữ, lại làm nông nghiệp nên tay chân tôi thường bị tê mỏi, đau nhức, nhất là những lúc thời tiết thay đổi. Nhưng từ ngày tham gia câu lạc bộ “Dưỡng sinh kinh lạc” nhờ được tập các động tác nhẹ nhàng, giữ tâm lí thoải mái nên tôi thấy khỏe hơn rất nhiêu. Không những vậy, tham gia câu lạc bộ tôi còn được giao lưu, học hỏi nhiều điều trong cuộc sống với những người bạn già tôi thấy rất hữu ích.

Câu lạc bộ “Dưỡng sinh kinh lạc” thuộc Dự án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng do Viện Nghiên cứu Văn hóa Phương Đông làm chủ dự án, được triển khai tại Nghĩa Hành từ cuối tháng 9/2016. Đến nay, đã có 10/12 xã, thị trấn trong huyện thành lập được câu lạc bộ, thu hút hàng nghìn người cao tuổi tham gia luyện tập, nâng cao thể trạng, đẩy lùi bệnh tật, tạo thành phong trào sôi nổi, rộng khắp đến từng khu dân cư, tổ dân phố. Bà Huỳnh Thị Thúy Nga, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Nghĩa Hành cho biết: Câu lạc bộ được sự hưởng ứng nhiệt tình của các thành viên người cao tuổi. Đều đặn các buổi sáng chúng tôi đều cho các cụ tập thể dục, trường hợp người nào bận, mệt không tới được thì chúng tôi khuyến khích mọi người tự tập ở nhà để giữ sức khỏe ổn định.

Hiệu quả thiết thực đem lại từ mô hình câu lạc bộ “Dưỡng sinh kinh lạc” tại huyện Nghĩa Hành là cơ sở để Hội Người cao tuổi Quảng Ngãi tiếp tục nhân rộng hình thức chăm sóc sức khỏe này đến tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh. Ông Trần Văn Thường, Chủ tịch Hội Người Cao tuổi tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Sau khi thành lập các câu lạc bộ ở huyện Nghĩa Hành và thấy được hiệu quả, chúng tôi đã lên kế hoạch để thành lập câu lạc bộ ở các địa phương khác trong tỉnh. Nhiều người cao tuổi có thời gian rảnh nhưng cũng có nhiều người rất bận rộn với công việc gia đình, việc mưu sinh nhưng chỉ cần mỗi buổi sáng bớt chút thời gian để tham gia câu lạc bộ sẽ rất tốt cho sức khỏe.

Mô hình câu lạc bộ “Dưỡng sinh kinh lạc” không chỉ tạo điều kiện để người cao tuổi thêm sống vui, sống khỏe mà còn góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc chung tay cùng với chính quyền, các đoàn thể thực hiện tốt công tác chăm sóc người cao tuổi ở mỗi điạ phương.
Đinh Thị Hương

Có thể bạn quan tâm