Hiệu quả trong kết nối việc làm cho người lao động là dân tộc thiểu số tại Kon Tum

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum, từ sau COVID-19 đến nay, đơn vị đã tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng chục ngàn lao động, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, người lao động thường không gắn bó với các công việc đã được giới thiệu. Với sự hỗ trợ về pháp lý, cũng như bảo vệ từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, không ít lao động chăm chỉ, chịu khó đã có cuộc sống ổn định, khấm khá, là tấm gương cho các lao động khác noi theo, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”.

Những lao động vượt khó


Sinh ra, lớn lên trong một gia đình có tới 12 người con nên đời sống kinh tế của chị Y Bim (dân tộc Bahnar, sinh năm 1996, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum) gặp nhiều khó khăn. Năm 2017, sau khi lấy chồng rồi ra ở riêng, vợ chồng chị phải mưu sinh bằng việc đi làm thuê cho các hộ trong làng, dù chăm chỉ nhưng tiền làm thuê cũng chỉ đủ ăn.

Cuối năm 2021, khi COVID-19 dần được khống chế, qua tìm hiểu, chị Y Bim cùng chồng đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để được kết nối, giới thiệu việc làm. Tại đây, các tư vấn viên đã giới thiệu vợ chồng chị vào làm công nhân sản xuất cá hộp tại Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Highland Dragon (thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) với mức lương khởi điểm 5 triệu đồng/tháng. Nhờ chăm chỉ làm việc, đến nay, mức lương của hai vợ chồng chị Y Bim đã tăng lên 7 triệu đồng, có lúc trên 10 triệu đồng nếu tăng ca. Khi công việc ổn định, chị đưa các con từ quê nhà vào tỉnh Bình Dương để tiện chăm sóc và học hành.

Ông A Khát (sinh năm 1956, bố chị Y Bim) cho biết, khi các con, cháu vào Bình Dương làm việc, ông cũng rất nhớ con, nhớ cháu. Tuy nhiên, thấy cuộc sống của con đỡ vất vả hơn, có thu nhập ổn định, lo được cho cuộc sống gia đình nên ông cũng yên tâm.

“Trước kia vợ chồng nó ở nhà, ai kêu gì thì làm nấy, chỉ đủ ăn thôi. Bây giờ được giới thiệu việc làm, cuộc sống no đủ, lâu lâu lại gửi quà về cho bố mẹ nên chúng tôi mừng lắm. Em của Y Bim là Y Sing cũng được giới thiệu vào trong đó làm rồi, lương cao, mỗi lần về nhà là biếu bố mẹ tiền nên vợ chồng tôi rất vui”, ông A Khát chia sẻ.

Hieu qua trong ket noi viec lam cho nguoi lao dong la dan toc thieu so tai Kon Tum hinh anh 1Tư vấn việc làm cho lao động người dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum. Ảnh: vov.gov.vn

Trường hợp của anh A Toa (dân tộc Xơ Đăng, sinh năm 1986, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) cũng tương tự. Trước khi đến với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum, vợ chồng anh cũng chỉ trông chờ vào thu nhập bấp bênh từ canh tác nông nghiệp chung với bố mẹ hoặc đi làm thuê, làm mướn. Tháng nào thu nhập cao cũng chỉ khoảng 4 – 5 triệu đồng, nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn.

Tháng 3/2019, anh A Toa đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum với mong muốn tìm được một công việc cho thu nhập ổn định hơn. Tại đây, anh được giới thiệu đến làm việc tại Công ty Trách nhiệm Hữu hạn RK Resources (huyện Bàu Bàng, tỉnh Tây Ninh). Chăm chỉ làm việc lại không ngại tăng ca vào ngày nghỉ, A Toa đã được công ty bổ nhiệm vào nhiều vị trí quan trọng với mức lương khá, từ 12 – 15 triệu/tháng. Nhờ đó, anh đã có tiền gửi về cho gia đình, mua đất, canh tác nông nghiệp.

“Mình gửi tiền về để vợ mua thêm đất, trồng được gần 1 ha cà phê, trồng thêm sắn, rồi ruộng lúa, kinh tế gia đình đã ổn định hơn nhiều so với trước. Tới đây, tích góp đủ rồi mình sẽ về xây dựng lại ngôi nhà mới để vợ con ở, chứ căn nhà cũ hư hỏng nhiều quá rồi”, anh A Toa tâm sự.

Đẩy mạnh giới thiệu việc làm


Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum, tính đến hết tháng 7/2023, Trung tâm đã phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố tổ chức được hơn 60 hội nghị, phiên giao dịch việc làm, ngày việc làm cho hơn 5.000 người lao động tham gia, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, giới thiệu việc làm thành công cho 348 lao động, trong đó có 258 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 74%).

Hieu qua trong ket noi viec lam cho nguoi lao dong la dan toc thieu so tai Kon Tum hinh anh 2Các đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp phỏng vấn người lao động ứng tuyển tại Ngày việc làm tỉnh Kon Tum. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum cho biết, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giới thiệu việc làm còn thấp so với số người lao động có nhu cầu là do đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đa số chưa quen với tác phong công nghiệp, chấp hành kỷ luật lao động chưa tốt, ngại đi làm xa nhà, chưa tích cực, chủ động tìm việc làm để tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống nên tỷ lệ giới thiệu việc làm thành công còn rất thấp. Ngoài ra, do phong tục tập quán của lao động người dân tộc thiểu số như thường uống rượu, thôn làng có việc, lễ hội rủ nhau cùng nghỉ việc về…, cũng ảnh hưởng không nhỏ tới công tác tư vấn giới thiệu việc làm vào các doanh nghiệp.

Trước những khó khăn trên, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum tăng cường thu thập, cập nhập thông tin tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài để có kế hoạch tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các Phòng Lao động –Thương binh và Xã hội, cơ sở đào tạo... tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, phiên giao dịch việc làm, ngày việc làm (trực tiếp và gián tiếp qua điện thoại, các mạng xã hội như Zalo, Facebook, Website của Trung tâm) cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, Trung tâm Dịch vụ việc làm còn tham gia các hội nghị tập huấn của Ban Dân tộc tỉnh, tuyên truyền cho 198 người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

“Bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum sẽ tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng, nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số trước khi đi làm để người lao động không nghe theo lời mời gọi “việc nhẹ, lương cao”. Trung tâm cũng khuyến cáo các lao động trẻ nên đầu tư kiến thức, ngoại ngữ và kỹ năng sống; thay đổi nhận thức, xóa bỏ tư duy “việc nhẹ, lương cao” để có thể hòa nhập và thích nghi được với bất kỳ môi trường nào”, bà Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh.

Dư Toán

Tin liên quan

Đắk Lắk: Tạo việc làm cho người lao động sau dịch COVID - 19

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Quang Thuân cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID -19, năm 2021, tỉnh có nhiều lao động từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về địa phương. Do đó, chỉ tiêu giải quyết việc làm năm 2022 tăng. Bằng nhiều giải pháp, tỉnh Đắk Lắk đã vượt chỉ tiêu về tạo việc làm và xuất khẩu lao động.


Kon Tum tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động

Ngày 12/5, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum tổ chức Ngày việc làm năm 2022 cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhằm giúp người lao động tìm được việc làm phù hợp với năng lực, chuyên môn sau khoảng thời gian phải tạm nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19.


Lào Cai tập trung giải quyết việc làm cho lao động địa phương

Những ngày đầu năm Nhâm Dần, nhờ chính sách mở cửa kinh tế, thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19 của Chính phủ, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Lào Cai đã đồng loạt tăng tốc phục hồi sản xuất. Theo đó, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp cũng đang tăng lên, nhất là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Ngay từ đầu năm 2022, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác định hướng, tuyên truyền giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động cho người dân.



Đề xuất