Hiệu quả trong chuyển đổi nông nghiệp bền vững ở Tiền Giang

Hiệu quả trong chuyển đổi nông nghiệp bền vững ở Tiền Giang

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, Trưởng ban Chỉ đạo Dự án VnSAT tỉnh Tiền Giang (Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại tỉnh Tiền Giang) Nguyễn Văn Mẫn, qua 7 năm triển khai thực hiện Dự án VnSAT tại tỉnh Tiền Giang (2015 - 2022), địa phương đã được nhiều kết quả tốt đẹp. 

Hiệu quả trong chuyển đổi nông nghiệp bền vững ở Tiền Giang ảnh 1Nông dân Tiền Giang sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa. Ảnh: Hữu Chí - TTXVN

Cụ thể, có gần 109.000 nông dân được hưởng lợi từ dự án, vượt 53% so chỉ tiêu đề ra; trên 18.000 ha đất canh tác áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến "3 giảm 3 tăng", vượt 13% so chỉ tiêu; trên 8.200 ha áp dụng quy trình 1 phải 5 giảm, vượt 3% chỉ tiêu; gần 9.800 ha liên kết tiêu thụ giải quyết đầu ra ổn định cho hạt lúa hàng hóa, vượt 78% chì tiêu; giảm phát thải trên 122.000 tấn khí nhà kính (CO2), vượt 15% chỉ tiêu dự án đề ra.

Đặc biệt, thông qua dự án đã hỗ trợ thành lập thêm 15 hợp tác xã nông nghiệp, nâng trong toàn vùng dự án hiện có 19 hợp tác xã nông nghiệp thu hút trên 5.300 thành viên. Ngoài ra, dự án còn đầu tư nâng cấp 27 tuyến đường giao thông nông thôn, tổng chiều dài trên 73 km, bắc 36 cầu nông thôn, làm 28 cống điều tiết nước sản xuất, 1 trạm bơm, 7 nhà kho và 4 nhà bao che lò sấy lúa cho các hợp tác xã.
 
Ông Nguyễn Văn Mẫn cho biết, được sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), trong giai đoạn 2015 – 2022, Tiền Giang đã triển khai thực hiện dự án VnSAT trên địa bàn tỉnh với mục tiêu góp phần cụ thể hóa Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương, nâng cao hiệu quả canh tác lúa và giảm tác động tiêu cực đến môi trường thông qua việc áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, thân thiện môi trường và hiệu quả bền vững.

Tổng nguồn vốn đầu tư cho Dự án VnSAT tại tỉnh Tiền Giang trên 354,4 tỷ đồng; trong đó trên 79,2 tỷ đồng vốn đối ứng địa phương. Dự án được triển khai tại 6 huyện, thị xã trong toàn tỉnh.

Trong khuôn khổ dự án, Tiền Giang đã triển khai 17 tiểu dự án bao gồm: hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các tổ chức nông dân; mở các lớp đào tạo, huấn luyện nông dân về quy trình canh tác lúa tiên tiến theo "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm"; huấn luyện nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ quản lý các hợp tác xã; kiện toàn kiến thiết hạ tầng nông thôn; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ, giải quyết đầu ra ổn định cho hạt lúa hàng hóa…

Đánh giá của Ban Chỉ đạo Dự án VnSAT tỉnh Tiền Giang, qua chu kỳ 7 năm triển khai dự án đã tác động tích cực đến diện mạo nghề trồng lúa và chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Thấy rõ nhất là việc chuyển giao quy trình canh tác tiên tiến đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất lúa của các hộ nông dân trong vùng dự án.
 
Bà con tích cực chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang áp dụng kỹ thuật thâm canh theo "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm".
 
Từ đó, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và giảm ô nhiễm môi trường nhờ giảm lượng giống, giảm phân đạm, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật vừa sử dụng tiết kiệm nguồn nước. Lợi nhuận nông dân trồng lúa tăng thêm gần 37%/ ha so với trước khi triển khai dự án.

Bên cạnh đó, trong vùng dự án, các công trình hạ tầng và hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất được đầu tư đồng bộ kết nối giao thương, đi lại, đảm bảo ngăn lũ và triều cường, bảo vệ đất canh tác, giảm nhẹ thiên tai không chỉ thay đổi diện mạo nghề trồng lúa mà còn đổi mới nông nghiệp, nông thôn và thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
 
Ngoài ra, giúp nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp cho công chức ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn về quản lý và triển khai thực hiện dự án nói riêng, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh nói chung.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm