Hiệu quả trao đổi chất từ phương pháp hạn chế thời gian ăn (TRF)

Thời gian ăn ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất. Ảnh: medicaldaily.com
Thời gian ăn ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất. Ảnh: medicaldaily.com

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát hiện rằng việc giới hạn thời gian ăn trong buổi sáng và đầu giờ chiều có thể giúp tăng cường sự trao đổi chất ở những người khỏe mạnh.

Theo nghiên cứu công bố mới đây trên tạp chí Nature Communications, các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Cao đẳng Y tế Công đoàn Bắc Kinh (PUMCH) đã tiến hành một thử nghiệm kéo dài 5 tuần đối với 90 tình nguyện viên khỏe mạnh áp dụng phương pháp giới hạn thời gian nạp calo vào cơ thể, còn gọi là TRF. Theo phương pháp này, người thực hiện giới hạn thời gian nạp calo vào cơ thể của cả một ngày trong khoảng 6-10 tiếng, không nhất thiết phải thay đổi chất lượng cũng như khối lượng thức ăn.

Các tình nguyện viên được phân chia ngẫu nhiên thành 3 nhóm, gồm nhóm chỉ ăn trong nửa đầu ngày (từ 6h-15h), nhóm nạp năng lượng trong nửa sau (11h-20h) và nhóm đối chứng. Hai nhóm áp dụng chế độ ăn TRF đã được chứng minh là có tác dụng tăng quá trình trao đổi chất của cơ thể, tuy nhiên đến nay chưa có so sánh về thời điểm nạp năng lượng trong ngày.

Kết quả thử nghiệm cho thấy nhóm giới hạn thời gian nạp năng lượng trong buổi sớm cải thiện độ nhạy insulin hiệu quả hơn so với nhóm ăn từ giữa ngày. Độ nhạy insulin cao cho phép các tế bào sử dụng glucose hiệu quả hơn, nhờ vậy giúp làm giảm lượng đường trong máu. Ngoài ra, so với nhóm hạn chế thời gian ăn vào giữa ngày, nhóm chọn ăn buổi sớm cũng cải thiện chỉ số đường huyết lúc đói đồng thời giảm tổng khối lượng cơ thể, giảm tình trạng viêm nhiễm và tăng tính đa dạng của hệ vi sinh vật đường ruột. Quá trình nghiên cứu không ghi nhận tác dụng phụ nghiêm trọng nào ở cả hai nhóm tình nguyện viên áp dụng TRF.

Các nhà nghiên cứu cho biết, so với nhóm đối chứng, lượng calo nạp vào của hai nhóm áp dụng TRF thấp hơn, cho thấy việc rút ngắn thời gian ăn hàng ngày có thể hạn chế lượng calo nạp vào cơ thể mỗi ngày.

Trong khi đó, không có sự khác biệt đáng kể về lượng calo hấp thụ giữa hai nhóm áp dụng TRF vào các thời điểm khác nhau. Điều này cho thấy lượng calo nạp vào không giúp cải thiện các chỉ số sức khỏe.

Trong các nghiên cứu sâu hơn, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng hai phương pháp TRF ảnh hưởng đến nhịp sinh học của một hormone nhạy cảm với insulin, làm giảm lượng đường trong máu. Từ đó, các nhà nghiên cứu cho rằng tác dụng của các phương pháp TRF khác nhau đối với quá trình trao đổi chất của cơ thể có thể liên quan đến nhịp sinh học.

Phan An

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm