Hiệu quả mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi ở huyện miền núi Phong Thổ

Hiệu quả mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi ở huyện miền núi Phong Thổ
Anh Nguyễn Xuân Oanh đang hướng dẫn các công nhân của mình cách chăm sóc cây sa nhân trồng dưới tán rừng. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
Anh Nguyễn Xuân Oanh đang hướng dẫn các công nhân của mình cách chăm sóc cây sa nhân trồng dưới tán rừng. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
Anh Nguyễn Xuân Oanh cho biết, năm 2009 thấy ở thôn Vàng Khon, thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) có một số diện tích đất nương người dân không sử dụng đến, anh đã quyết định mua lại để đầu tư phát triển kinh tế. Với số vốn tích cóp được, anh đầu tư vào trồng rừng và chăn nuôi trâu, bò, ngựa, gà... Trong quá trình lập nghiệp, cũng không ít lần, anh gặp thất bại. Tuy nhiên, sau mỗi lần thất bại,  anh lại rút ra được những bài học quý cho mình. Trời không phụ lòng người, đàn trâu, bò của gia đình anh không ngừng phát triển. Đến nay, gia đình anh Oanh  nuôi 8 con trâu, 51 con bò và hàng trăm con gà... Ngoài chăn nuôi, anh Oanh còn trồng thêm cỏ phục vụ chăn nuôi, trồng thanh long, bưởi, chanh…, mỗi năm tổng thu nhập đạt khoảng 800 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, số tiền lãi thu được, anh tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô trồng trọt và chăn nuôi.
Anh Nguyễn Xuân Oanh đang chăm sóc cây thanh long. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
 Anh Nguyễn Xuân Oanh đang chăm sóc cây thanh long.
Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
Anh Nguyễn Xuân Oanh chia sẻ: Hiện nay trên diện tích đất nương mua lại của người dân, anh đã trồng lát, dổi, xoan… Ngoài ra, anh còn nhận chăm sóc, bảo vệ hơn 200 ha rừng phòng hộ thuộc thôn Vàng Khon. Mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi, trồng trọt của gia đình anh đã tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên và 10-15 lao động thời vụ, với thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Với những lao động thường xuyên, anh đóng bảo hiểm, đảm bảo các chế độ cũng như điều kiện về an toàn lao động. Bà Tống Thị Toan, đang làm việc cho gia đình anh Nguyễn Xuân Oanh cho biết: Gia đình bà thuộc diện hộ nghèo của thôn. Từ khi vào làm việc ở đây, bà có thu nhập 5 triệu đồng/tháng, nhờ vậy, cuộc sống bớt khó khăn hơn. Ngoài ra, với những hộ có hoàn cảnh khó khăn trong thôn Vàng Khon, anh Oanh luôn sẵn sàng giúp đỡ bằng cách cho mượn đất dựng nhà, vay vốn phát triển kinh tế…Anh Oanh quan niệm giúp người khác cũng là giúp chính mình, hàng xóm thoát nghèo mình cũng cảm thấy vui. Chia sẻ về định hướng phát triển kinh tế trong thời gian tới, anh Nguyễn Xuân Oanh cho biết, trồng trọt và chăn nuôi vẫn được anh xác định là hướng đi chính, trong đó có việc đầu tư phát triển cây dược liệu dưới tán rừng với các loại cây có giá trị kinh tế cao như sa nhân, nghệ đen, tam thất… Đồng thời, anh tiếp tục chăn nuôi đàn bò, trâu, gà…
Anh Nguyễn Xuân Oanh đang cho đàn bò với hơn 50 con ăn cỏ. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
Anh Nguyễn Xuân Oanh đang cho đàn bò với hơn 50 con ăn cỏ.
Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
Ông Nguyễn Văn Tuyển, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phong Thổ đánh giá, mô hình trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc của gia đình anh Nguyễn Xuân Oanh đạt hiệu quả cao nhất tại huyện Phong Thổ. Hiện nay, đơn vị đang tổ chức cho một số nhóm hộ khác đến để tham quan, học hỏi rồi nhân rộng. Với những nỗ lực trong bảo vệ rừng, phát triển chăn nuôi, trồng trọt, tạo việc làm cho người dân địa phương, anh Nguyễn Xuân Oanh đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu dành cho gia đình đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh giỏi năm 2015 và Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2012 - 2016. Anh còn được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vì đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp, góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam năm 2016 cùng nhiều giấy khen của UBND huyện Phong Thổ, thị trấn Phong Thổ.
Công Tuyên

Có thể bạn quan tâm