Hiệu quả mô hình tổ hội nghề nghiệp tại Quảng Ngãi

Nông dân Quảng Ngãi thu hoạch dưa hấu bán cho thương lái. Ảnh: Lê Ngọc Phước - TTXVN
Nông dân Quảng Ngãi thu hoạch dưa hấu bán cho thương lái. Ảnh: Lê Ngọc Phước - TTXVN

Những năm qua, nhiều cơ sở Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập mô hình tổ hội nghề nghiệp để liên kết nông dân có chung ngành nghề sản xuất, giúp người dân có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh hợp tác trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Hiệu quả mô hình tổ hội nghề nghiệp tại Quảng Ngãi ảnh 1Nông dân Quảng Ngãi thu hoạch dưa hấu bán cho thương lái. Ảnh: Lê Ngọc Phước - TTXVN

Khi mới thành lập, Tổ hội nghề nghiệp trồng rau sạch tại Chi hội thôn Nước Rạc, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà (tháng 5/2020) chỉ có 9 hội viên, nhưng đến nay đã thu hút được 20 hội viên tham gia, với tổng diện tích trồng rau sạch lên đến 7.000 m2. Trong đó, hộ có diện tích trồng rau nhiều nhất là 600 m2, hộ ít nhất khoảng 300 m2.

Các thành viên trong Tổ hội tham gia sinh hoạt một lần/tháng. Tại buổi sinh hoạt này, hội viên cùng chia sẻ kinh nghiệm về chăm sóc các loại rau hay ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, các thành viên cùng bàn bạc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Khi tham gia Tổ hội nghề nghiệp, các thành viên thường xuyên được Trung tâm dịch vụ hỗ trợ Nông nghiệp huyện Sơn Hà tập huấn, hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh gây hại trên rau màu các loại.

Chị Đinh Thị Sao, thành viên trong Tổ chia sẻ, nhờ tham gia Tổ hội nghề nghiệp mà chị thay đổi việc sử dụng chất kích thích giúp rau tăng trưởng trước đây, nay chỉ sử dụng phân hữu cơ ủ hoai, bón lót, cày xới, gieo trồng phù hợp, đúng kỹ thuật. Chị sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý theo từng giai đoạn, lắp đặt hệ thống tưới phun, đồng thời trồng xen canh các loại rau cải, rau xà lách, rau dền, khổ qua, mướp, dưa leo... Nhờ đó, năng suất các loại rau cao hơn và bán được giá hơn so với sản xuất rau thông thường khoảng 40%.

Theo bà Phạm Thị Hồng, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp trồng rau sạch, Tổ hội nghề nghiệp đã phát huy tính cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên trong việc hỗ trợ nhau về kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh nên hiệu quả cao hơn.

Nhằm tập hợp, thu hút đông đảo hội viên nông dân có cùng ngành nghề vào tổ chức hội để sinh hoạt, phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh liên kết sản xuất của tập thể, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, Hội Nông dân xã Tịnh Châu, thành phố Quảng Ngãi, đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp nông dân trồng rau diếp cá với 23 thành viên là các hộ trồng rau diếp cá.

Ông Huỳnh Văn Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Châu cho biết, rau diếp cá được trồng từ rất lâu ở địa phương. Ban đầu chỉ vài hộ trồng, thấy hiệu quả kinh tế cao nhiều người đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây trồng sang trồng rau diếp cá. Rau diếp cá cho thu hoạch quanh năm và rất dễ trồng. Rau diếp cá có giá bán dao động từ 8.000-12.000 đồng/kg, có lúc lên tới 30.000 đồng/kg, nhờ đó các hộ có thu nhập ổn định quanh năm.

Việc xây dựng Tổ hội nghề nghiệp được hình thành trên cơ sở tập hợp, gắn bó hội viên vì có chung lợi ích và trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo ra cơ chế tự liên kết trong sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị. Xây dựng các Tổ hội nghề nghiệp sẽ tạo tiền đề cho việc thành lập các Hợp tác xã, góp phần đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể...

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Thanh Nguyệt nhấn mạnh, thực hiện Đề án số 24-ĐA/HNDTW ngày 23/6/2016 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên có chung ngành nghề sản xuất tham gia thành lập các tổ hội nghề nghiệp. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ sở hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập thêm các chi, tổ hội nghề nghiệp phù hợp thực tiễn từng địa phương, tạo điều kiện cho các tổ hội được vay vốn để mở rộng mô hình sản xuất; hỗ trợ xây dựng nhóm tổ liên kết “4 nhà” theo hướng chuỗi giá trị để tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần thiết thực trong việc phát triển, nâng cao kinh tế tập thể, tăng thu nhập cho nông dân.

Đinh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm