Hiệu quả kinh tế từ mô hình sản xuất đa canh ở Tiền Giang

Trung bình mỗi năm, ông Xem đạt giá trị sản xuất từ 300 - 340 triệu đồng; sau khi trừ chi phí, ông còn thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Ảnh: Minh Trí-TTXVN
Trung bình mỗi năm, ông Xem đạt giá trị sản xuất từ 300 - 340 triệu đồng; sau khi trừ chi phí, ông còn thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Ảnh: Minh Trí-TTXVN

Hưởng ứng thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ các huyện phía Đông” tỉnh Tiền Giang, nông dân các huyện Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công tích cực tổ chức lại sản xuất, đưa nhiều cây con có giá trị vào cơ cấu sản xuất, tạo ra những mô hình kinh tế tổng hợp, hiệu quả cao hơn hẳn trồng lúa độc canh truyền thống.  

Hiệu quả kinh tế từ mô hình sản xuất đa canh ở Tiền Giang ảnh 1Ông Trần Văn Xem, ấp Bình An, xã Song Bình, huyện Chợ Gạo đã chuyển đổi 4.500 m2 trồng lúa sang lập vườn trồng bưởi da xanh, dừa Mã Lai chuyên nước và mai cảnh. Trung bình mỗi năm, ông Xem đạt giá trị sản xuất từ 300 - 340 triệu đồng; sau khi trừ chi phí, ông còn thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Ảnh: Minh Trí-TTXVN

Tại Song Bình, một xã thuần nông của huyện Chợ Gạo, nông dân Trần Văn Xem, cư ngụ tại ấp Bình An đã chuyển đổi từ trồng lúa sang lập vườn trồng bưởi da xanh kết hợp dừa Mã Lai chuyên uống nước và mai kiểng mà tạo dựng nên cơ nghiệp một cách vững chắc.

Mặc dù ông Trần Văn Xem đã gần 70 tuổi nhưng còn tráng kiện và nhạy bén trước những thời cơ mà công cuộc đổi mới mang lại cho nông dân, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ông Trần Văn Xem chia sẻ đã thường xuyên tham gia các buổi tập huấn, hội thảo, tuyên truyền khuyến nông nhằm cập nhật kiến thức và nâng cao trình độ canh tác theo khoa học hiện đại. Qua đó, ông nhận thấy rằng bám víu mãi vào cây lúa độc canh khó làm giàu trong điều kiện sản xuất gia đình ông đất hẹp, người đông, việc tưới tiêu không thuận lợi, thường xuyên phải đối mặt hạn mặn và thiên tai hàng năm.

Do vậy, ông đã mạnh dạn chuyển đổi 4.500 m2 đất trồng lúa độc canh ba vụ/năm sang trồng bưởi da xanh xen canh dừa Mã Lai trên diện tích 3.000 m2. Với 1.500 m2 đất còn lại ông dành trồng mai kiểng bán phục vụ nhu cầu chơi hoa kiểng trong nhân dân. Đối với vườn bưởi và dừa, ông thiết kế trồng hai hàng bưởi hai bên, giữa trồng thêm một hàng dừa Mã Lai. Bưởi da xanh và dừa Mã Lai chuyên lấy nước uống là hai giống cây ăn quả đặc sản đang được thị trường ưa chuộng, đầu ra thuận lợi, hiệu quả kinh tế cao.

Để vườn cây đạt năng suất, sản lượng cao và chất lượng trái tốt, ông Trần Văn Xem chú trọng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật thâm canh học tập được từ cán bộ khuyến nông và các kênh thông tin đại chúng, qua kinh nghiệm những nông dân sản xuất giỏi đi trước. Đặc biệt, chú ý bón nhiều phân hữu cơ vi sinh để vườn cây sung mãn, kéo dài tuổi thọ, hạn chế dùng phân hóa học đồng thời sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” vừa bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người tiêu dùng vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bưởi da xanh, dừa Mã Lai là những giống cây ăn quả thích hợp thổ nhưỡng vùng đất Song Bình, nhất là những ruộng mới lên lập vườn trồng cây ăn quả đất đai màu mỡ, chúng phát triển rất tốt, chỉ sau 2,5 năm đến 3 năm tuổi (đối với dừa Mã Lai) đã cho trái. Những năm về sau, năng suất ổn định và cao theo độ tuổi lớn của cây trồng.

Đối với mai kiểng, ông trồng đại trà trong khu vườn 1.500 m2. Khi cây lớn, ông uốn sửa, tỉa cắt cành thành cây kiểng. Sau đó, trồng vào chậu và bán cho người dân có nhu cầu. Ngoài ra, ông còn mua và sưu tầm mai kiểng ở các nơi bán đem về dưỡng thành mai kiểng cổ thụ bán ra thị trường cũng thu thêm một nguồn lợi kinh tế đáng kể cho gia đình.

Ông Trần Văn Xem cho biết thêm, hiện nay, kinh tế phát triển, đời sống nâng lên nên nhu cầu chơi hoa kiểng, trang trí cho sân nhà, cho các biệt thự…rất lớn. Do vậy, mai kiểng ông vừa sưu tầm, trồng, chăm sóc vừa bán ra gần như quanh năm.

Còn tính chung về hiệu quả kinh tế của mô hình đa canh, ông Trần Văn Xem hạch toán: Trung bình mỗi năm ông đạt sản lượng bưởi da xanh khoảng 6 tấn quả, bán thu gần 200 triệu đồng. Nguồn lợi từ dừa Mã Lai mỗi năm ông bán thu khoảng 40 triệu đồng và trên 100 triệu đồng thu từ nguồn lợi mai kiểng. Tính ra, mỗi năm, ông Xem đạt giá trị sản xuât từ 300 triệu đồng đến 340 triệu đồng từ mô hình đa canh: bưởi da xanh, dừa Mã Lai, mai kiểng. Sau khi trừ chi phí sản xuất cần thiết, ông còn thu lãi ròng không dưới 200 triệu đồng.

Bí thư Đảng ủy xã Song Bình Lê Văn Thưởng đánh giá cao tính cần cù, chịu khó và nhạy bén trong lao động sản xuất, phát huy tiềm năng đất đai, lao động để làm giàu của ông Trần Văn Xem.

Theo gương ông Trần Văn Xem, nông dân Song Bình đã định hình được vùng trồng bưởi da xanh chuyên canh 250 ha, vùng trồng dừa Mã Lai 350 ha... Các vùng chuyên canh này đã mang lại nguồn nông sản hàng hóa có giá trị cung ứng thị trường, giúp nhiều nông dân đổi đời, giàu có hẳn lên.

Không chỉ là nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi tiêu biểu của địa phương, ông Trần Văn Xem còn là tấm gương chung súc xây dựng nông thôn mới thông qua những việc làm vì cộng đồng.  

Cụ thể, ông đã hưởng ứng hiến thửa đất bề ngang 1 m, dài 40 m, tổng diện tích 40m2 để xã Song Bình hoàn thành con đường nông thôn theo tiêu chí quốc gia trên địa bàn ấp Bình An.

Ngoài ra, hàng năm, ông còn trích thu nhập ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, giúp đỡ gia đình chính sách neo đơn, Quỹ Hỗ trợ nông dân,…được mọi người mến mộ và khen tặng.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm