Hiệu quả kinh tế từ cơ cấu lại ngành nông nghiệp Hà Nội

Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đến nay ngành Nông nghiệp Hà Nội đã có nhiều thay đổi phù hợp khi phát triển các vùng trồng và chăn nuôi chuyên canh tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Hieu qua kinh te tu co cau lai nganh nong nghiep Ha Noi hinh anh 1Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cùng Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm cơ sở sản xuất rau công nghệ cao An Hòa tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

* Bức tranh nông nghiệp Hà Nội

 Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong chương trình xây dựng nông thôn mới thời gian qua của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực khi sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, có nhiều vùng như vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng trồng cây ăn quả, vùng trồng hoa cây cảnh, vùng rau an toàn, rau hữu cơ, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư... các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuỗi liên kết đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Bên cạnh đó, các hợp tác xã nông nghiệp và trang trại, làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất đã và đang ngày càng phát huy vai trò phát triển kinh tế xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Về trồng trọt, sản xuất vụ mùa, tính đến trung tuần tháng 9, Hà Nội đã gieo trồng được 77 nghìn ha lúa vụ mùa, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất lúa ước tính đạt 58,4 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha so với cùng kỳ năm 2020. Đối với cây lâu năm, diện tích gieo trồng 9 tháng qua trên địa bàn thành phố ước tính đạt 23,6 nghìn ha, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích cây ăn quả đạt 19,9 nghìn ha, tăng 2,4%; cây lấy quả chứa dầu đạt 23 ha, tương đương cùng kỳ năm 2020...

Thời gian tới, diện tích cây ăn quả tiếp tục tăng, đặc biệt là cây đặc sản có chất lượng dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao như bưởi Diễn, cam Canh, nhãn chín muộn, chuối tiêu hồng, ổi tứ quý, đu đủ lai... Hiện một số địa phương đang thực hiện quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, hỗ trợ giống chất lượng cao, xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ trong nước đồng thời hướng tới xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Âu. Việc áp dụng khoa học - kỹ thuật và đưa giống cây trồng năng suất, chất lượng đã góp phần tăng năng suất cây ăn quả 9 tháng năm nay như sản lượng chuối ước tính đạt 64,8 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước; ổi 24,4 nghìn tấn, tăng 5,5%; đu đủ 17,5 nghìn tấn, tăng 6%.

Hà Nội hiện có 141 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình đã phát huy hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay, như: Khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao thung lũng Ngọc Linh huyện Thạch Thất phát triển theo hướng áp dụng công nghệ cao của Nhật Bản, Đức vào sản xuất nông nghiệp, với các mô hình nhà kính, sản xuất rau thủy canh, nuôi cấy tảo xoắn để chiết xuất dược liệu và trồng rau kết hợp với cây dược liệu, du lịch và nghỉ dưỡng; Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ Cuối Quý, huyện Đan Phượng, diện tích 5ha với sản lượng 3 tạ rau/ngày, trung bình mỗi tháng cũng cho thu nhập trên 120 triệu đồng, giá trị bình quân/ha canh tác đạt gần 6,7 tỷ đồng/ha; Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn tại huyện Chương Mỹ, ứng dụng công nghệ viễn thám, hệ thống quan trắc thời tiết i.Mentos 3.3 A-G để cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất.

Sản lượng chăn nuôi số đàn gia súc (chăn nuôi trâu, bò và lợn) đều tăng so với cùng kỳ. Bên cạnh đó cũng không có dịch bệnh lớn xảy ra.

Về lâm nghiệp, tính chung 9 tháng năm 2021, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 114 ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 624 nghìn cây, tăng 2%.

Tuy nhiên, theo ông Chu Phú Mỹ, do dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã do giảm sản lượng, doanh thu dẫn đến thu nhập của các thành viên, người lao động không ổn định, đặc biệt là các hợp tác xã chăn nuôi gia cầm, hợp tác xã nông nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch sinh thái... Các sản phẩm nông nghiệp đến mùa thu hoạch khó tiêu thụ, hàng hóa vận chuyển khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội theo các Chỉ thị của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Vấn đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, đặc biệt là chế biến sâu; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; chưa có nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung gây khó khăn cho việc thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

* Tiếp tục hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng

Để đẩy mạnh vấn đề cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng: Thời gian tới, các huyện trên địa bàn thành phố cần tiếp tục các giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất, vận động nhân dân tích cực phát triển kinh tế, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trong sản xuất lúa, cây rau màu ngắn ngày. Đẩy mạnh sản xuất giống lúa chất lượng cao đạt trên 60% diện tích gieo trồng, giống lúa lai chiếm khoảng 5% diện tích gieo trồng, mở rộng diện tích sản xuất các giống hoa, cây cảnh có hiệu quả kinh tế cao như hoa lily, hồng, lan, cây cảnh, hoa thảm, hoa chậu,... Khuyến khích mở rộng phát triển sản xuất các giống cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày có năng suất, chất lượng cao, hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó là ổn định và phát triển các chủng loại cây ăn quả đã có nhãn hiệu, thương hiệu như bưởi Chương Mỹ, bưởi Phúc Thọ, bưởi Quế Dương, bưởi sạch Sóc Sơn, bưởi tôm vàng Đan Phượng, nhãn muộn Đại Thành, nhãn muộn Hoài Đức, chuối Vân Nam...

Phát triển đàn bò khoảng 135 nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 12 nghìn tấn; đàn trâu khoảng 25,3 nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 1,85 nghìn tấn; đàn lợn khoảng 1,8 triệu con trở lên, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 250 nghìn tấn. Phát triển đàn gia cầm 40 triệu con. Phấn đấu sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 156 nghìn tấn.

Phát triển thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Rà soát, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản ở các diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả chuyển sang mô hình kết hợp “cá - lúa” hoặc “chuyên cá” với hình thức “ao nổi” tại các huyện nằm trong quy hoạch tại Quyết định số 3215/QĐ-UBND của UBND Thành phố và vùng úng trũng khác nếu có nhằm tăng khả năng nuôi thủy sản bảo đảm diện tích chăn nuôi thủy sản từ 24.000 ha; tổng sản lượng thủy sản đạt 120 nghìn tấn.

Thiện Tâm

Tin liên quan

Ứng Hòa hướng tới huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021

Ngày 28/10, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025" chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Ứng Hòa về kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, nhiệm vụ thời gian tới, trọng tâm là công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện…


Hà Nội tập trung xây dựng 4 huyện về đích nông thôn mới năm 2021

Chiều 15/10, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025" tổ chức hội nghị giao ban đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đến hết quý III/2021; triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04 Nguyễn Thị Tuyến chủ trì hội nghị…


Mỹ Đức thêm 2 xã đủ điều kiện về đích nông thôn mới

Ngày 12/10, Đoàn thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của thành phố Hà Nội đã tổ chức đi kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại hai xã Lê Thanh và Bột Xuyên thuộc huyện Mỹ Đức. Kết quả Hà Nội có thêm 2 xã đủ điều kiện về đích nông thôn mới…


Nét đẹp nông thôn mới nâng cao Hà Nội

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, thành phố hiện có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2021, Hà Nội có 29 xã đăng ký đạt chuẩn này, cụ thể là các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Thanh Trì - mỗi huyện đăng ký 1 xã; Phú Xuyên, Quốc Oai, Hoài Đức, Mê Linh, Thanh Oai, Ứng Hòa - mỗi huyện đăng ký 2 xã; Gia Lâm, Chương Mỹ, Đông Anh - mỗi huyện đăng ký 3 xã; Thường Tín đăng ký 4 xã…



Đề xuất