Hiệu quả công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh ở Lào Cai

Hiệu quả công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh ở Lào Cai
Hiệu quả từ công tác phân luồng

Năm 2004, sau khi học hết Trung học Phổ thông, anh Đặng Đình Ngọc (thành phố Lào Cai) không đăng ký dự thi vào các trường Cao đẳng, Đại học mà chọn theo học nghề Điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng Lào Cai. Sau hơn 2 năm theo học, ra trường, anh Ngọc được nhận vào làm việc tại Nhà máy luyện đồng Lào Cai với mức lương ổn định.

Nhận thấy nhu cầu lắp đặt, sửa chữa điện nước trên địa bàn thành phố Lào Cai ngày một nhiều, anh Ngọc xin nghỉ việc tại nhà máy để mở xưởng sửa chữa, lắp đặt điện nước. Với những kiến thức đã được học cộng với sự cần cù chịu khó, xưởng của anh Ngọc ngày càng đông khách. Đến năm 2015, anh thành lập Công ty điện thông minh NT SMART HOME, trụ sở tại thành phố Lào Cai.

Anh Ngọc cho biết, thành lập công ty là ước mơ từ nhỏ. Hiện tại, công ty có 32 nhân viên, làm việc ở hai cơ sở (thành phố Lào Cai và huyện Sa Pa). Doanh thu hàng năm của công ty đạt khoảng 3 tỷ đồng. “Mình có thể khẳng định, với kiến thức học tại trường nghề đã góp phần quyết định cho mình lựa chọn hướng đi cũng như tự tin hơn trong công việc hiện nay. Đại học không phải là con đường duy nhất để thanh niên bước vào đời. Nếu cho mình lựa chọn lại mình vẫn chọn đi học nghề”, anh Ngọc chia sẻ.

Giống như anh Ngọc, hàng ngàn học sinh, sinh viên tại Lào Cai đã chọn học nghề thay vì đăng ký dự thi vào học Đại học như trước kia. Theo thống kê, trong vòng 3 năm trở lại đây, Trường Cao đẳng Lào Cai tiếp nhận và đào tạo gần 6.000 học sinh, sinh viên. 85% học viên có việc làm sau khi ra trường. Tỷ lệ học sinh học nghề tăng dần từ 6% (năm 2016) lên 8% (năm 2018).

Trường Cao đẳng Lào Cai là một trong 88 trường Cao đẳng của cả nước được lựa chọn xây dựng thành trường chất lượng cao và là trường có chất lượng đào tạo đạt mức cao nhất theo chuẩn kiểm định quốc gia. Theo ông Phạm Đức Bính, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai, trong khi rất nhiều cử nhân ra trường chật vật vẫn không xin được việc làm, không ít học sinh trường nghề ở Lào Cai, nhất là một số nghề như nghề du lịch, hàn, điện, cơ khí... lại “đắt giá” ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Điều này dẫn đến nhu cầu học nghề của con em đồng bào các dân tộc Lào Cai hiện nay là rất lớn. Bởi ngoài việc được đào tạo nghề, các em còn được thực hành tại các công ty, đơn vị liên kết, được giới thiệu và tiếp nhận việc làm ngay khi ra trường.

Ông Phạm Đức Bính cho biết, để bảo đảm được đầu ra trường coi trọng chất lượng đào tạo, khi các em ra trường có kiến thức, có kỹ năng, doanh nghiệp sẵn sàng nhận vào làm việc. Nhiều học sinh, sinh viên sau khi ra trường với vốn kiến thức sẵn có đã tự mở cơ sở, xưởng sửa chữa, trang trại và đã thành công.

Đây là hệ quả của nỗ lực tuyên truyền công tác phân luồng trong nhiều năm trở lại đây của các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai nhằm giải quyết tận gốc và tránh "khủng hoảng" trong việc phân bổ lao động thiếu hợp lý giữa các ngành nghề trong xã hội, đồng thời khơi thông nguồn lực lao động, tạo sức bật cho phát triển kinh tế - xã hội Lào Cai.

Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh và định hướng phân luồng học sinh sau THCS, THPT năm 2019 do UBND huyện Bắc Hà tổ chức. Ảnh: bacha.edu.vn
Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh và định hướng phân luồng học sinh sau THCS, THPT năm 2019 do UBND huyện Bắc Hà tổ chức. Ảnh: bacha.edu.vn
Định hướng nghề nghiệp từ sớm

"Điều quan trọng nhất không phải là học để có được bằng cấp thật cao mà phải học để có việc làm ổn định ngay sau khi ra trường" - bạn Lý Ngọc Mai, xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã lý giải nguyên nhân chọn học ngành Du lịch trong buổi tuyển sinh mới được tổ chức của Trường Cao đẳng Lào Cai. Đó cũng là tâm lý chung của hơn 500 học sinh Trung học Cơ sở đăng ký học nghề tại Trường Cao đẳng nghề Lào Cai năm học 2019-2020.

Lào Cai đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có trên 81% thanh niên trong độ tuổi 15 - 18 được học Trung học Phổ thông, học nghề trình độ từ Trung cấp trở lên, phấn đấu có ít nhất 14% học sinh sau tốt nghiệp Trung học Cơ sở đi học nghề có trình độ Trung cấp. Để đạt mục tiêu đó, Lào Cai đã và đang thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả để phân luồng học sinh hợp lý.

Năm học 2014-2015 tỉnh Lào Cai bắt đầu thực hiện thí điểm trường học gắn với thực tiễn. Đến năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 224 trường dạy học mô hình này (188 trường Trung học Cơ sở, 36 trường Trung học Phổ thông), riêng thành phố Lào Cai có 19 trường với 6 mô hình. Mô hình này góp phần không nhỏ trong việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Theo ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, mô hình trường học gắn với thực tiễn ở tỉnh Lào Cai có mục đích cụ thể hóa việc thực hiện nguyên lý giáo dục: Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn với thực tiễn. Nhà trường tạo điều kiện để học sinh vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn đời sống, lao động sản xuất, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, từ đó góp phần định hướng mục tiêu nghề nghiệp và phân luồng học sinh từ sớm.

Ngoài ra, việc các trường đào tạo nghề trên địa bàn đảm bảo việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp mang lại sức hút không nhỏ. Điển hình, Trường Cao đẳng Lào Cai đã ký kết hợp đồng hợp tác với gần 100 công ty lớn ở trong và ngoài tỉnh để tạo việc làm cho học sinh, sinh viên học tập tại trường.

Bên cạnh đó, để thu hút học sinh theo học nghề, mới đây, Trường Cao đẳng Lào Cai đã tổ chức 7 đợt “Ngày hội tham quan, trải nghiệm và tư vấn hướng nghiệp” cho gần 1.700 học sinh của 14 trường Trung học Cơ sở, 19 trường Trung học Phổ thông trong và ngoài tỉnh. Tại ngày hội, học sinh được tìm hiểu tham quan các ngành nghề mà trường đào tạo như: Công nghệ ô tô, hàn, gia công cơ khí, cắt gọt kim loại; điện công nghiệp, điện dân dụng, vận hành nhà máy thủy điện; hướng dẫn du lịch, quản trị du lịch và lữ hành; nghiệp vụ nhà hàng khách sạn, kế toán, quản trị doanh nghiệp; thú y, xây dựng…

Tại buổi trải nghiệm, Ban giám hiệu Trường Cao đẳng Lào Cai đã tổ chức tư vấn hướng nghiệp và cung cấp các chế độ chính sách, cơ hội việc làm cho người học. Bên cạnh đó, trường đã mời đại diện lãnh đạo các đơn vị doanh nghiệp uy tín, có mối liên hệ hợp tác với trường trong công tác đào tạo, tuyển dụng như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cơ khí tổng hợp Huy Long (Lào Cai), Công ty Du lịch Quốc Tế Bình Minh (Lào Cai), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện thông Minh Ngọc Thảo… Tại đây, các em học sinh được trực tiếp nghe các đơn vị tuyển dụng tư vấn, định hướng về xu hướng thị trường lao động, các điều kiện, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp, qua đó giúp các em có sự nhìn nhận và lựa chọn đúng đắn nghề nghiệp cho bản thân.

Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai Phạm Đức Bính cho biết, sau các ngày hội này, các phiếu đăng ký học nghề về trường ngày càng tăng lên… Kết quả trên cho thấy các em học sinh có chuyển biến trong suy nghĩ về học nghề và lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai.
Hương Thu

Có thể bạn quan tâm