Hiệu quả Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn ở Tuyên Quang

Hiệu quả Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn ở Tuyên Quang

Thông qua các chương trình, dự án từ nhiều nguồn vốn khác nhau, những năm qua Tuyên Quang đã tập trung ưu tiên xây dựng các công trình nước sạch ở vùng sâu, vùng xa. Trong đó, thực hiện Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, vốn vay Ngân hàng Thế giới, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng và đưa vào hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Hiệu quả Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn ở Tuyên Quang ảnh 1 Người xã Tân Tiến (Yên Sơn, Tuyên Quang) sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Ảnh: Quang Cường – TTXVN

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng từ đầu năm 2022 có tổng mức đầu tư hơn 6,5 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Công trình đang được Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tuyên Quang quản lý, vận hành, khai thác, cấp nước sạch sinh hoạt cho 3 thôn, với hơn 400 hộ dân, cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn xã.

Bà Nông Thị Mai, xóm 5, xã Tân Tiến cho biết, trước đây khi chưa có công trình nước sạch, gia đình bà sử dụng nước giếng khơi. Vẫn biết nước giếng khơi chưa đảm bảo vệ sinh nhưng do không có nguồn nước khác nên gia đình vẫn phải sử dụng. Từ khi có công trình nước sạch của xã, nhận thấy chất lượng nước tốt hơn, nước trong, không mùi, không đóng cặn, gia đình bà cảm thấy yên tâm hơn về sức khỏe.

Hiệu quả Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn ở Tuyên Quang ảnh 2 Công trình nước sạch xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang được xây dựng đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Ảnh: Quang Cường - TTXVN

Ông Lý Minh Hiếu, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết, công trình nước sạch có ý nghĩa quan trọng để xã đạt tiêu chí trên 80% người dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh. Nhờ có công trình, chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe của người dân được đảm bảo. Ngoài ra, công trình nước sạch đi vào hoạt động đã giúp xã hoàn thành tiêu chí về môi trường, đóng góp vào kết quả về đích nông thôn mới của xã trong năm 2022.

Công trình nước sạch xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động từ 2003. Qua quá trình vận hành, khai thác, công trình đã xuống cấp, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong xã. Năm 2021, từ nguồn vốn Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh nước sạch nông thôn, công trình được nâng cấp, mở rộng với công suất khai thác cung cấp 200 m3/ngày, đêm.

Ông Triệu Minh Hường, cán bộ vận hành công trình nước sạch xã Thái Sơn cho biết, trước đây, người dân thường thường sử dụng nước giếng hoặc dẫn nước từ suối về để sử dụng, chất lượng không đảm bảo. Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được nâng cấp và đi vào hoạt động đã góp phần đảm bảo sức khỏe cho người dân. Theo ông Hường, hiện có trên 200 hộ dân đang sử dụng nước sạch, ngoài ra, đơn vị sẽ lắp đặt đường ống chờ để sẵn sàng đấu nối khi có thêm hộ dân có nhu cầu sử dụng nước sạch.

Hiệu quả Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn ở Tuyên Quang ảnh 3 Vận hành bơm nước sạch phục vụ người xã Tân Tiến (Yên Sơn, Tuyên Quang). Ảnh: Quang Cường - TTXVN

Thực hiện Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, vốn vay Ngân hàng Thế giới, từ 2016 Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng, hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 23 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn; 3 công trình khác đang xây dựng. Tổng vốn đầu tư các công trình là trên 187,3 tỷ đồng, gồm vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng của tỉnh.

Tính đến đầu năm 2023, đã có gần 12.000 hộ dân vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được sử dụng nước sạch từ nguồn vốn Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, vốn vay Ngân hàng Thế giới. Dự kiến đến tháng 6/2023, có hơn 13.000 hộ dân ở nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh từ Chương trình này, đóng góp vào kết quả có hơn 96% dân số nông thôn tỉnh Tuyên Quang được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Hiệu quả Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn ở Tuyên Quang ảnh 4Người xã Tân Tiến (Yên Sơn, Tuyên Quang) sử dụng nước sạch. Ảnh: Quang Cường - TTXVN

Ông Trần Trung Bắc, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết, để quản lý, khai thác hiệu quả các công trình nước sạch nông thôn, trong thời gian tới Trung tâm sẽ xây dựng phương án bàn giao tài sản công trình cấp nước theo đúng quy định, rà soát xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý, vận hành, khai thác cho các cán bộ quản lý vận hành công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Trung tâm thường xuyên nắm bắt hiện trạng hoạt động các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung; tiếp nhận và phối hợp chặt chẽ với UBND huyện, UBND xã và các đơn vị liên quan để tổ chức quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được giao theo quy định…

Quang Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm