Hiệu quả các mô hình chuyển đổi cây trồng ở Hậu Giang

Hiệu quả các mô hình chuyển đổi cây trồng ở Hậu Giang
      Ông Đoàn Văn Bảy, ở ấp Mỹ Hiệp 2, xã Tân Tiến, phấn khởi vì vườn cam nhà mình đang phát triển tươi tốt.

Chuyện người dân có thu nhập hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng nhờ trồng cây ăn trái không còn là chuyện hiếm ở xã Tân Tiến. Việc chuyển đổi diện tích trồng mía, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái đã nhen nhóm trên địa bàn xã từ vài năm nay, nhưng từ khi Đề án 1.000 được triển khai thực hiện thì việc chuyển đổi này ngày càng phát huy hiệu quả. Trong năm 2014, trên địa bàn xã có 18 hộ dân đăng ký, trong đó đã giải quyết cho 13 hộ được vay vốn với số tiền 716 triệu đồng. Riêng trong đợt 1 năm 2015, có 28 hộ đăng ký, 11 hộ trong số đó đã làm xong thủ tục vay vốn và đang chờ được giải ngân.

Cách đây 3 năm, gia đình ông Lê Văn Đèo, ở ấp Tư Sáng, xã Tân Tiến, đã mạnh dạn chuyển đổi khoảng 1ha đất trồng sầu riêng, chôm chôm kém hiệu quả sang trồng cam sành. Khi nghe chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền, gia đình ông Đèo đã quyết định tham gia Đề án 1.000 vào năm 2014. Nhờ vậy mà gia đình ông được vay số tiền 50 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất. Vụ đầu tiên, gia đình ông bán trái được khoảng 60 triệu đồng. Hiện tại, vườn cây nhà ông đang cho trái vụ thứ hai, ông ước tính vụ này sẽ cho sản lượng trái cao hơn vụ trước.

Ông Đèo cho biết: “Không ngờ cây cam sành khi được trồng trên vùng đất này lại phát triển tốt như vậy. Không chỉ có gia đình tôi, nhiều hộ khác cũng mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng mía, cây tạp kém hiệu quả sang trồng cam, quýt và hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả cao. Lúc đầu, tôi khá bỡ ngỡ khi chuyển sang trồng cam sành, nhưng khi tham gia một số lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây có múi do xã tổ chức giúp tôi tiếp thu được nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm hữu ích để chăm sóc tốt vườn cây nhà mình. Thời gian tới, tôi định vay thêm vốn để mở rộng khu vườn hiện có”.

Đáng chú ý là trên địa bàn xã Tân Tiến hiện nay đã bắt đầu xuất hiện các tổ hợp tác trồng cây có múi. Vừa qua, tổ hợp tác ở ấp Mỹ Hiệp 2 đã được thành lập gồm 20 hội viên. Được biết, ngành chức năng của xã đang tiến hành những bước đi cần thiết để tiếp tục ra mắt thêm 2 tổ hợp tác ở ấp Tư Sáng và ấp Thạnh Hòa 1 trong thời gian tới. Đây có thể coi là hướng đi phù hợp, nhằm giúp việc chuyển đổi cây trồng trên địa bàn xã từng bước đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao hơn.

Nhìn về phía vườn cây trồng cam đang cho trái chiếng của gia đình mình, khuôn mặt ông Đoàn Văn Bảy, ở ấp Mỹ Hiệp 2, xã Tân Tiến, tỏ rõ sự phấn khởi. Trước đây, diện tích đất rộng khoảng 3.000m2 kế bên nhà đã được gia đình ông dùng để trồng mía, nhưng cuộc sống bấp bênh do giá mía tăng, giảm thất thường. Cách đây 2 năm, gia đình ông quyết định chuyển sang trồng cam. Nhờ cần cù lao động, ham học hỏi kỹ thuật, nên gia đình ông đã chăm sóc tốt vườn cam và chuẩn bị thu hoạch vụ trái đầu tiên. Mới đây, ông Bảy đã tham gia vào tổ hợp tác trồng cây có múi ở ấp và được mọi người tin tưởng bầu ông làm tổ trưởng. Ông chia sẻ: “Tổ hiện có 20 thành viên với diện tích trồng khoảng 15ha. Các thành viên trong tổ thường chia sẻ những kinh nghiệm trồng trọt để cùng nhau làm ăn có hiệu quả. Chưa hết, khi tham gia vào tổ hợp tác, chúng tôi còn được tạo điều kiện tham gia tập huấn kỹ thuật và vay vốn nên ai cũng phấn khởi”.

Bên cạnh đó, cấp ủy đảng và chính quyền xã Tân Tiến đã thực hiện nhiều biện pháp để giúp việc chuyển đổi cây trồng của người dân đạt kết quả cao. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, xã đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của thành phố Vị Thanh mở 2 lớp dạy nghề trồng cây có múi với 60 học viên tham gia. Đặc biệt, việc chính quyền địa phương nơi đây đã và đang tích cực vận động thành lập các tổ hợp tác sản xuất được coi là cách làm đột phá, nhằm giúp người nông dân đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau để cùng làm giàu trên chính mảnh vườn của mình.

Ông Võ Tứ Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, cho biết: “Rõ ràng, việc chuyển đổi cây trồng đã giúp đời sống của không ít người dân được nâng lên đáng kể. Thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền xã sẽ đẩy mạnh sự chỉ đạo, định hướng trong công tác này. Trong đó, thường xuyên phối hợp với tuyến trên để mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây có múi và hỗ trợ nguồn vốn vay cho người dân. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo người dân sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích sản xuất”.
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm