Hệ lụy từ ô nhiễm môi trường làng nghề

Hệ lụy từ ô nhiễm môi trường làng nghề
Tiến sĩ Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN
Tiến sĩ Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN

Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Tôn Gia Hóa cho biết, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối tháng 12/2016, cả nước có 1.864/5.411 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận. Các làng nghề đã thu hút hơn 11 triệu lao động, khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn, có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương...

Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với các làng nghề là vấn đề ô nhiễm môi trường. Theo kết quả một số cuộc khảo sát cho thấy, 46% số làng nghề môi trường không khí, nước, đất bị ô nhiễm nặng. Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ hàm lượng các chất ô nhiễm vượt quá quy chuẩn Việt Nam hàng chục lần. Ô nhiễm chất vô cơ từ các làng nghề dệt nhuộm, thủ công mỹ nghệ và mây tre đan, tái chế giấy, nước thải có hàm lượng cặn lớn và chứa nhiều chất ô nhiễm như: dung môi, dư lượng hóa chất trong quá trình nhuộm, đánh bóng. Kết quả đo đạc chất lượng không khí tại các làng nghề sơn mài cũng rất đáng lo ngại, hàm lượng phun sơn gấp 5 lần nồng độ tối đa cho phép...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Hùng, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Văn phòng Quốc hội, hiện trạng môi trường làng nghề hiện nay đã làm gia tăng số người mắc bệnh đang lao động và sinh sống ở làng nghề. Tỷ lệ này có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Qua khảo sát, ở một số làng nghề mức độ ô nhiễm cao, tuổi thọ trung bình của người dân giảm, thấp hơn 10 năm so với các làng không làm nghề. Thực tế đó đặt ra vấn đề là cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương cần có hành động thiết thực để hạn chế những tác động xấu của ô nhiễm làng nghề đến môi trường và sức khỏe người dân...

Quản lý dựa vào cộng đồng

Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, các cơ quan chức năng và địa phương đã có nhiều chính sách nhằm cải thiện điều kiện môi trường sống nói chung và môi trường tại các làng nghề. Dù vậy, công tác bảo vệ môi trường tại một số làng nghề không đạt kết quả. Y thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh tại làng nghề chưa cao. Một số địa phương chưa quan tâm, coi trọng công tác bảo vệ môi trường làng nghề; vẫn còn có những nơi môi trường làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng gây bức xúc trong nhân dân nhưng tại đây các cơ quan chuyên môn địa phương còn buông lỏng quản lý, chưa chủ động thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, kinh phí dành cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề quá thấp, chỉ chiếm 1% tổng chi Ngân sách Nhà nước cho sự nghiệp môi trường hàng năm cũng đã gây khó khăn cho các hoạt động quản lý, xử lý môi trường làng nghề...

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN

Để các làng nghề phát triển bền vững, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Tôn Gia Hóa cho rằng, quản lý môi trường làng nghề phải dựa vào cộng đồng. Việc xây dựng, khôi phục các quy ước, hương ước của làng, xóm và thực hiện hiệu quả có vai trò quan trọng góp phần giữ gìn, bảo vệ môi trường. Do đó, các cơ quan chức năng, các địa phương tập trung nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân làng nghề; gắn hoạt động bảo vệ, quản lý môi trường làng nghề với việc thực hiện các nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các địa phương cần nghiên cứu, khuyến khích người dân làng nghề áp dụng các công nghệ mới, sử dụng năng lượng sạch, quy hoạch bố trí lại sản xuất để giảm chất thải...

Tại hội thảo, các nhà quản lý, lãnh đạo địa phương, cơ quan chuyên môn, đại diện các đơn vị sản xuất ở các làng nghề đề nghị Quốc hội, Chính phủ phân bổ thêm kinh phí, tăng cường giám sát, quản lý việc sử dụng ngân sách Nhà nước chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường; xây dựng, hoàn thiện chiến lược, quy hoạch phát triển làng nghề. Các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý, hướng dẫn các đơn vị, cơ sở sản xuất thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường tại các làng nghề; lập kế hoạch khắc phục ô nhiễm, phân loại làng nghề và mức độ ô nhiễm để có lộ trình xử lý, quản lý phù hợp, hiệu quả...

Từ năm 2001 đến nay, cả nước đã hình thành hàng trăm “cụm công nghiệp làng nghề” từng bước đưa hoạt động sản xuất làng nghề vào tập trung, xa khu dân cư để hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe người dân. Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015, đã có 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được hỗ trợ 165 tỷ đồng để thực hiện 11/47 tiểu dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề../.
Vũ Văn Đạt 

Có thể bạn quan tâm