Hệ lụy sau việc cho thuê rẫy trồng cây công nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hệ lụy sau việc cho thuê rẫy trồng cây công nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Anh Rơ Lan Bat, làng Bông, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê hối hận khi cho thuê rẫy cà phê để lấy tiền đầu tư sân bóng đá. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Anh Rơ Lan Bat, làng Bông, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê hối hận khi cho thuê rẫy cà phê để lấy tiền đầu tư sân bóng đá. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Tình trạng cho thuê rẫy cây công nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số khá phổ biến ở Gia Lai. Việc làm này khiến cho cây trồng bị tận thu, kiệt sức, khó phục hồi, đất nghèo dinh dưỡng, không thể cải tạo… sau khi rẫy hết thời hạn thuê. Ngoài ra, sau khi cho thuê rẫy, các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nhận tiền về không sử dụng vào mục đích đầu tư phát triển kinh tế mà mua sắm vật dụng gia đình…. Tiêu hết tiền, cả gia đình không còn rẫy để làm và thanh niên trong làng nhàn rỗi. Đây là nguyên nhân chính làm mất an ninh trật tự tại địa phương, gia tăng các tệ nạn xã hội như trộm cắp, nghiện…

Ông Rơ Mah Jem, Phó Chủ tịch xã Ia O, huyện Ia Grai cho biết: Vài năm trở lại đây, tình trạng người dân tộc thiểu số cho thương lái thuê rẫy điều của gia đình đang rộ lên trên địa bàn xã. Gia đình có nhiều diện tích điều chỉ để lại một khoảnh rẫy để thu hoạch, nhiều gia đình cho thuê hết diện tích rẫy khiến lao động trong gia đình dư thừa, nhàn rỗi.

Xã Ia O hiện có khoảng 1.200 ha điều. Người dân tại địa bàn huyện Ia Grai cho biết, cây điều đang trong thời kỳ thu hoạch cho thu khoảng 80 triệu đồng/ha nhưng nếu cho thương lái thuê lại chỉ được 65 triệu đồng/ha. Số tiền thuê rẫy được thương lái trả một lần để người dân mua sắm vật dụng gia đình, đầu tư canh tác hoặc hoán đổi ra thành một căn nhà xây theo diện tích thỏa thuận. Điều đáng nói là sau khi cho thuê rẫy, nhiều hộ phải đi nhặt điều thuê trên chính vườn, rẫy nhà mình.

Căn nhà anh Siu Phú, làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai được đổi từ 1 ha điều 7 năm tuổi cho thuê trong vòng 14 năm. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Căn nhà anh Siu Phú, làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai được đổi từ 1 ha điều 7 năm tuổi cho thuê trong vòng 14 năm. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Anh Siu Phú, làng Bi, xã Ia O cho biết, gia đình anh cho thương lái thuê 1 ha điều 7-8 năm tuổi với thời hạn 14 năm. Giá cả được quy đổi ra thành căn nhà cấp 4 khoảng 100m2, mái tôn, nền lát gạch men. Gia đình anh Phú có 7 người sống trong căn nhà vừa mới xây từ tiền cho thuê điều, hiện tại gia đình chỉ còn 5 sào lúa nước. Do nông nhàn, cả gia đình đi làm thuê, làm mướn để sinh sống. Đến mùa điều, gia đình anh đi nhặt điều thuê trên chính khu rẫy trước đây của nhà mình.

Cùng chung tình trạng cho thuê rẫy cây công nghiệp, gia đình anh Rơ Lan Bat, tại làng Bông, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê cho thuê 1 ha rẫy cà phê tương đương với 1.100 gốc cà phê 7 năm tuổi. Anh Bat cho thương lái thuê rẫy với giá 300 triệu đồng thời hạn 10 năm. Số tiền đó anh dùng để xây dựng một sân bóng đá mini với mục đích kinh doanh kiếm lãi nhưng sân bóng rất ít khách và còn bị hư hỏng. Anh Bat tâm sự: “Tôi rất tiếc vườn cà phê nhưng lỡ cho thuê rồi đành chịu, giờ chỉ mong hết hạn cho thuê để lấy lại rẫy về chăm sóc. Sau này, tôi không cho thuê rẫy nữa”.

Theo ông Cao Văn Truật, Chủ tịch xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, do các chủ rẫy người đồng bào dân tộc thiểu số không biết chăm sóc cây trồng khiến rẫy kém hiệu quả nên một số người dân đến thuê lại để chăm sóc. Việc ký kết hợp đồng do hai bên thỏa thuận không thông qua chính quyền địa phương nên nếu có tranh chấp hợp đồng, chính quyền địa phương cũng không đứng ra giải quyết được. Chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân cho thuê rẫy, khi có tiền cần đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, không nên sử dụng tiền vào mục đích mua sắm cá nhân.
Hồng Điệp

Có thể bạn quan tâm