Hệ lụy sau lễ bỏ mả

Hệ lụy sau lễ bỏ mả
Nhiều hoạt động nghệ thuật dân gian, như hát giao duyên, diễn xướng, đối đáp, tạc tượng, múa rối (brưm bram), múa xoang, đánh chiêng được diễn ra... Bên cạnh đó các tiến trình nghi thức lễ bỏ mả của người Bahnar, Jrai trong quan niệm thế giới tâm linh mang đậm những nét văn hóa độc đáo, cổ xưa cần được gìn giữ và bảo tồn. Tuy nhiên, tập tục này không tránh khỏi một số hệ lụy sau lễ bỏ mả mà nhiều người phải đối mặt với vô số điều lo lắng về vật chất, sức khỏe…
 
Lễ bỏ mả để lại hệ lụy cho không ít gia đình.
Lễ bỏ mả để lại hệ lụy cho không ít gia đình.

Dưới vai trò là người tìm hiểu văn hóa dân gian trong suốt thời gian qua, chúng tôi được chứng kiến thời gian gần đây ở buôn Ama Leo, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa tổ chức lễ bỏ mả với 24 con trâu, bò làm vật hiến sinh; lễ Pơ thi Plei Kep, xã Ia Phí, huyện Chư Pah (đêm 12-3-2016) có 29 con trâu, bò bị giết; lễ hội Pơ thi Plei Kep Ping, huyện Chư Pah (đêm 20-3-2016) đã thui 15 con trâu bò, chưa kể heo, gà, rượu ghè, nước ngọt… Tính sơ sơ thì lễ bỏ mả này cũng chi phí từ 100 triệu đồng đến trên 300 triệu đồng. Đó là một số tiền không nhỏ đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngày xưa, sau lễ bỏ mả của người Bahnar, Jrai là xem như họ không còn quan tâm đến người chết nữa, nhưng ngày nay đa phần các gia đình, dòng họ trước khi làm lễ họ họp lại, thống nhất đóng góp tiền để xây dựng ngôi mộ hoành tráng, lát đá hoa, kiểu cách rất tốn kém. Có gia đình phải thế chấp bìa đỏ vay ngân hàng, vay tiền của nhiều người hoặc bán đất ruộng, rẫy để đóng góp xây mộ.

Việc chia tài sản cho người chết cũng là một trong những việc rất lãng phí. Những vật chất được chia cho người chết, nhiều gia đình đập ché, chiêng cổ cho hỏng để chôn cùng với các vật dụng khác dẫn đến những gia đình khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Có những gia đình có công với cách mạng và được Nhà nước khen thưởng bằng nhiều hình thức khác nhau như: bằng khen, giấy khen, huân chương, đến khi những người lớn mất đi, con cháu họ cũng chôn hết theo người chết dẫn đến thân nhân của họ không có cơ sở pháp lý để được hưởng chế độ hiện hành.

Bên cạnh đó, lễ bỏ mả của một số vùng người Bahnar vẫn còn giữ tục thể hiện sự tiếc thương người đã mất bằng cách lấy những cây củi lửa đâm vào thân thể của mình dẫn đến bỏng và nhiễm trùng vết thương hoặc đập đầu vào bất kỳ đâu dẫn đến tổn hại về sức khỏe. Cũng có trường hợp, sau lễ bỏ mả có người phải đi cấp cứu vì uống quá nhiều rượu hoặc tham gia giao thông đã xảy ra những điều đáng tiếc cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng…

Chưa kể đến, việc ăn uống tại lễ hội không đảm bảo vệ sinh, như còn bốc tay, đồ ăn đựng bằng lá rừng, rất nhiều người uống chung cần rượu, ngủ luôn tại khu nhà mồ trước, trong và sau lễ bỏ mả... ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng.

Thiết nghĩ, các cấp, đặc biệt là các cơ quan quản lý tại địa phương cần tuyên truyền định hướng cho người dân tổ chức lễ bỏ mả đúng nghi lễ truyền thống, nâng cao ý thức cố kết cộng đồng, tiết kiệm, an toàn. Vai trò già làng, trưởng thôn và những người có uy tín trong làng là rất quan trọng, họ có thể hướng dẫn dân làng tổ chức lễ bỏ mả đúng truyền thống không lãng phí và tránh được những hệ lụy sau lễ bỏ mả.
Báo Điện tử Gia Lai

Có thể bạn quan tâm