Hệ lụy phát triển diện tích cây trồng ngoài quy hoạch

Hệ lụy phát triển diện tích cây trồng ngoài quy hoạch
Trồng theo phong trào

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 120.000 ha cà phê, 16.500 ha hồ tiêu. Với những con số này, diện tích hồ tiêu, cà phê đã tăng gần gấp đôi so với quy hoạch tổng thể đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Tại xã Đắk Ha (Đắk Glong), ở hầu hết các vùng đất bạc màu, đất đồi dốc trước đây nếu để trồng cây sắn cũng khó có thể mọc được đừng nói gì đến cho củ. Vậy mà giờ đây đi đến đâu cũng thấy vô số những cọc tiêu bằng cây gỗ khô, bê tông, cây gòn chia chỉa như rừng chông trên các lưng đồi. Còn các rẫy cà phê mới trồng hay đã vào thời kỳ kinh doanh cũng len lỏi mọc lên trên các triền đồi, khe suối cạn khô ngay từ đầu năm.

Người dân thôn 8, xã Quảng Khê (Đắk Glong) phải bơm chuyển nước với khoảng cách trên 600 – 700 m từ nguồn nước đến rẫy để tưới cho cà phê
Người dân thôn 8, xã Quảng Khê (Đắk Glong) phải bơm chuyển nước với khoảng cách trên 600 – 700 m từ nguồn nước đến rẫy để tưới cho cà phê
Anh Nguyễn Văn Pha ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) có đất rẫy ở khu vực Kon Jooh, xã Đắk Ha cho biết: Gia đình tôi có 1 ha đất rẫy. Năm vừa rồi, tôi trồng 5 sào cà phê và 400 trụ tiêu. Vào mùa mưa thì cây phát triển rất tốt nhưng bước sang mùa khô, toàn bộ cây trồng bị héo rũ, xơ xác. Một phần vì nguồn nước ở xa, không đủ cung cấp cho cây, phần khác vì trồng trên đất triền đồi nên bị gió quật rụng hết lá. Không biết vài năm nữa khi cây có tán, có cành liệu có trụ được với điều kiện nắng gió này không.

Còn gia đình anh Lê Văn Trường ở thôn 2 cho biết: “Gia đình tôi có 1 ha đất sản xuất, mấy năm qua chủ yếu là trồng sắn, nhưng gần đây thấy mọi người chuyển sang trồng cà phê, hồ tiêu, tôi thấy thế nên làm theo. Trồng cà phê rồi nhưng không biết lấy nước ở đâu để tưới, vì nguồn nước ở xa hàng trăm mét. Gia đình tôi lại không có điều kiện sắm máy móc, ống dẫn tưới nên chỉ tưới nhờ của các gia đình lân cận, được bữa nào hay bữa đó”.

Qua tìm hiểu thì phần lớn diện tích cà phê, hồ tiêu trồng mới của nông dân trồng từ năm 2013 đến nay đều tập trung ở những vùng đất bạc màu, xa nguồn nước, thậm chí có nơi là đất lâm nghiệp lấn chiếm.

Theo thống kê, bình quân mỗi năm, nông dân trong tỉnh trồng thêm từ 600 - 700 ha cà phê và hàng trăm ha hồ tiêu. Việc nông dân trồng cà phê, hồ tiêu tại các khu vực không phù hợp, không đủ điều kiện canh tác như đất có độ dốc lớn, tầng canh tác mỏng, nguồn nước không bảo đảm đang đặt ra nhiều thách thức cho việc nâng cao chất lượng hạt cà phê, hồ tiêu cũng như hiệu quả kinh tế từ các loại cây này.

Công tác quy hoạch chưa đến được với nông dân!

Việc trồng cà phê, hồ tiêu ồ ạt của các nông hộ đã dẫn đến việc quy hoạch, sử dụng đất bị phá vỡ, một số diện tích cây trồng khác bị thu hẹp, nhất là diện tích rừng, kể cả rừng phòng hộ cũng bị giảm đi nhanh chóng do lấn chiếm rừng, đất rừng để trồng cây công nghiệp dài ngày.

     
Với số hộ lên đến 11.000 hộ di cư tự do chưa được sắp xếp, trung bình mỗi hộ nắm giữ 1 ha đất sản xuất thì tổng diện tích đất của bà con tương đương với 11.000 ha. Đa số diện tích đất này hầu như không nằm trong vùng quy hoạch về thủy lợi, giao thông…
 
Theo ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT, chỉ lấy một ví dụ cụ thể là tình trạng dân di cư tự do của các hộ đồng bào phía Bắc vào tỉnh Đắk Nông mới thấy được mức độ đất đai bị khai thác, phân tán như thế nào. Đa số các hộ đồng bào phía Bắc vào tập trung thành cụm, thành nhóm sống ở những khu vực gần rừng, vùng hẻo lánh rất khó cho việc triển khai công tác phát triển sản xuất đến với bà con. Vì vậy, với số hộ lên đến 11.000 hộ di cư tự do chưa được sắp xếp, trung bình mỗi hộ nắm giữ 1 ha đất sản xuất thì tổng diện tích đất của bà con tương đương với 11.000 ha. Đa số diện tích đất này hầu như không nằm trong vùng quy hoạch về thủy lợi, giao thông…

Còn đối với các hộ dân “bản địa”, khi được hỏi về công tác quy hoạch nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, nhiều hộ dân tỏ ra ngỡ ngàng vì chưa bao giờ biết đến. Anh Lê Văn Trường ở thôn 2, xã Đắk Ha cho biết thêm: “Lâu nay, tôi chỉ được cán bộ ngành Nông nghiệp hướng dẫn chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng chứ chưa bao giờ được khuyến cáo là trên những vùng đất khác nhau nên trồng loại cây gì cho hợp lý”.

Đề cập về vấn đề này, theo ông Lê Văn Điệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Mil thì trong thời gian qua, tỉnh đã có đề án tổng thể về quy hoạch nông nghiệp, nông thôn, các ngành có quy hoạch về vùng cây ăn trái, vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hay thủy lợi… Thế nhưng chưa có cơ quan, đơn vị nào thực hiện động thái cam kết với nông dân thu mua sản phẩm trong vùng quy hoạch. Do vậy, các hộ trong hay ngoài vùng quy hoạch đều tự làm, tự tiêu thụ nông sản. Điều này cho thấy, các địa phương chưa có giải pháp quy hoạch cho đúng nghĩa.

Để từng bước khắc phục tình trạng phát triển cà phê, hồ tiêu tự phát một cách ồ ạt tiềm ẩn nhiều rủi ro, Sở Nông nghiệp – PTNT đã yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân đầu tư phát triển cà phê bền vững nằm trong vùng quy hoạch. Sở đang yêu cầu các địa phương thống kê lại toàn bộ diện tích cà phê, hồ tiêu thực tế tại các huyện. Qua đó, cùng với các địa phương, ngành Nông nghiệp sẽ xây dựng phương án chuyển đổi cây trồng, nơi nào đủ điều kiện về đất đai, nguồn nước thì phát triển cây cà phê, hồ tiêu, nơi nào không thuận lợi thì nhất quyết hướng dẫn người dân chuyển sang trồng cây trồng khác.
Báo Đắk Nông

Có thể bạn quan tâm