HĐND tỉnh Lạng Sơn thông qua 20 Nghị quyết về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội

HĐND tỉnh Lạng Sơn thông qua 20 Nghị quyết về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội

Trong hai ngày 9 và 10/12, tỉnh Lạng Sơn tổ chức Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Tại kỳ họp lần này, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 20 Nghị quyết quan trọng của HĐND tỉnh về các vấn đề kinh tế, xã hội, các chính sách, dự án, danh mục đầu tư được cử tri và nhân dân quan tâm.

HĐND tỉnh Lạng Sơn thông qua 20 Nghị quyết về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ảnh 1Các đại biểu biểu quyết thông qua các Nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: Thái Thuần – TTXVN

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thị Hậu khẳng định: Sau hai ngày làm việc tích cực, khẩn trương, kỳ họp thứ 14 của HĐND tỉnh khóa XVII đã hoàn thành tốt đẹp, hiệu quả, chất lượng theo chương trình đề ra.

Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và cử tri trong tỉnh tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tập trung giải quyết những khó khăn, hạn chế đã được chỉ ra; các cơ quan nghiêm túc thực hiện nghị quyết về giám sát quyết liệt, hiệu quả hơn trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh về giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị mới, dự án vướng mắc kéo dài nhiều năm; kịp thời xem xét, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

HĐND tỉnh Lạng Sơn thông qua 20 Nghị quyết về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ảnh 2Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thị Hậu phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Thái Thuần – TTXVN

Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, tại kỳ họp hoạt động chất vấn tiếp tục có đổi mới, thực chất, sôi động, được cử tri, Nhân dân trong tỉnh và các vị đại biểu quan tâm. Thường trực HĐND tỉnh sẽ tổng hợp và cụ thể hóa bằng văn bản để UBND tỉnh, thủ trưởng các cơ quan liên quan thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những vấn đề đã cam kết, có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Cùng với đó, Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn đề nghị cử tri, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, HĐND các cấp tích cực tham gia cùng với HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết giám sát chuyên đề, các cam kết, lời hứa của các cơ quan được chất vấn, tạo nên sức mạnh cộng hưởng để đồng hành, thúc đẩy, tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Sau kỳ họp này, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết vừa được thông qua. Các đại biểu HĐND tỉnh sớm tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả kỳ họp đến cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

HĐND tỉnh Lạng Sơn thông qua 20 Nghị quyết về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ảnh 3Các đại biểu HĐND tỉnh Lạng Sơn khóa XVII chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Thái Thuần – TTXVN

Trước đó, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường, các đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành với 23 câu hỏi, tập trung vào một số nội dung: tình hình chấp hành quy định Luật Đất đai năm 2013 về các công trình, dự án có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất; giải pháp đột phá để tháo gỡ nút thắt trong giải phóng mặt bằng các dự án còn chậm tiến độ; về công tác quản lý, sử dụng tài sản công; giải pháp khắc phục tình trạng án bị sửa, án trả hồ sơ điều tra bổ sung; giải pháp khắc phục tình trạng tiêu thụ sản phẩm chủ lực như: cây hồi, cây thạch, cây sở; tháo gỡ khó khăn còn chưa đồng bộ về cơ sở hạ tầng viễn thông và các trang thiết bị phục vụ cho việc triển khai nền tảng cửa khẩu số...

Đặc biệt, các đại biểu đã chất vấn về giải pháp giải quyết các dự án về giao thông, trong đó có dự án đã để treo 30 năm qua trên địa bàn thành phố Lạng Sơn; nguyên nhân đạt thấp đối với chỉ tiêu tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm xã hội so với lực lượng lao động toàn tỉnh; cơ chế chính sách tự chủ tại các cơ sở y tế, đấu thầu vật tư y tế…

Trả lời ý kiến chất vấn của các đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã giải trình làm rõ các nội dung đại biểu chất vấn theo hướng đi thẳng vào trọng tâm câu hỏi; không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, được các đại biểu đồng tình.

HĐND tỉnh Lạng Sơn thông qua 20 Nghị quyết về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ảnh 4Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Thái Thuần – TTXVN

Trong khuôn khổ kỳ họp, các đại biểu đã chia thành 4 tổ, tập trung thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm về các nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực: kinh tế; văn hóa – xã hội; giáo dục; y tế; nông lâm nghiệp, nông thôn; quản lý đất đai…

Đối với nhóm vấn đề kinh tế, đại biểu tập trung thảo luận về công tác thu ngân sách năm 2022, làm rõ các nguyên nhân dẫn đến 4 khoản thu chưa đạt, gồm: thu từ doanh nghiệp Nhà nước Trung ương, thuế bảo vệ môi trường, thu phí, lệ phí, thu hoạt động xuất nhập khẩu; phân tích, đánh giá tiến độ còn chậm trong việc lập một số đồ án quy hoạch.

Lĩnh vực văn hoá, đại biểu các tổ tập trung đánh giá việc thực hiện đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030; phân tích một số khó khăn, hạn chế trong thực hiện cơ chế, chính sách về phát triển du lịch hiện nay; việc thu hút nhà đầu tư về du lịch; phát triển, quảng bá sản phẩm du lịch, việc gắn kết các sản phẩm OCOP của địa phương với phát triển du lịch; tiến độ thực hiện các dự án du lịch; chất lượng nguồn nhân lực lao động trong lĩnh vực du lịch; công tác quảng bá du lịch…

HĐND tỉnh Lạng Sơn thông qua 20 Nghị quyết về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ảnh 5Phó Chủ tịch UBNd tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Thái Thuần – TTXVN

Đối với lĩnh vực giáo dục – y tế, các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ tình trạng viên chức, người làm việc trong ngành giáo dục bỏ việc; đề xuất giải pháp để giảm thiểu và chấm dứt tình trạng này; công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; nhận thức của người dân trong việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; việc kiểm soát sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, nông thôn, quản lý đất đai, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá việc thực hiện 15 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2021, trong đó năm 2022 triển khai hỗ trợ 5 chuỗi; đánh giá hiệu quả, tiến độ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022; làm rõ nguyên nhân đạt thấp giải ngân các chính sách tín dụng theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP ngày 28/4/2022 của Chính phủ; tiến độ, nguyên nhân dẫn đến khó khăn, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Thái Thuần

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm