Hậu quả khó lường khi đắp vết thương bằng thuốc nam, lá cây không rõ nguồn gốc

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân T. Ảnh: baokhanhhoa.vn
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân T. Ảnh: baokhanhhoa.vn

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận một số trường hợp bị biến chứng nặng ở vết thương do bệnh nhân tự dùng thuốc nam và đắp một số lá cây không rõ nguồn gốc. Mới đây nhất, Bệnh viện ghi nhận một trường hợp có nguy cơ tử vong cao do biến chứng quá nặng.

Hậu quả khó lường khi đắp vết thương bằng thuốc nam, lá cây không rõ nguồn gốc ảnh 1Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân T. Ảnh: baokhanhhoa.vn

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Đình Thành, Trưởng Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình tổng quát thuộc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bỏng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa) cho biết, bệnh nhân nhập viện ngày 7/7 và sáng 9/7 đã được xuất viện theo nguyện vọng của người nhà. Bệnh nhân có một vết thương trên cơ thể nhưng do có bệnh nền tiểu đường dẫn đến vết thương lâu lành, gây đau đớn. Trước khi nhập viện, bệnh nhân đã đắp một số lá thuốc không rõ ràng dẫn đến hoại thư sinh hơi.

Bệnh nhân nữ N.T.H (sinh năm 1965) quê ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, được chuyển tuyến từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, viêm loét vùng cụt, sưng mủ ở mu bàn chân bên trái.

Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ kiểm tra và xác định, bệnh nhân bị nhiễm trùng hoại tử lan rộng đùi cẳng bàn chân phải. Kết luận chuẩn đoán lâm sàng ban đầu là hoại thư sinh hơi và được cho chỉ định mổ cắt lọc, đoạn chi bên phải. Sau mổ, bệnh nhân diễn biến nặng, hôn mê sâu, phải thở máy để duy trì sự sống. Các bác sĩ điều trị tiên lượng nguy cơ tử vong cao.

Hiện tại, Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình tổng quát, thuộc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bỏng đang điều trị cho nhiều ca tự ý đắp lá thuốc, dẫn đến biến chứng nặng. Cụ thể, ca bệnh nữ T.T.T.Đ (trú thành phố Nha Trang, 48 tuổi) theo lời người khác, tự ý đắp một số lá cây không rõ nguồn gốc dẫn đến gối chân trái bị viêm tấy, tụ dịch.

Bệnh nhân này nhập viện ngày 2/7. Chị cho biết, trước khi nhập viện điều trị, vết thương do tai nạn giao thông của chị bị sưng tấy. Chị đắp lá thuốc nhưng không thuyên giảm mà ngược lại đầu gối còn sưng tấy và đau hơn trước. Nhập viện, các bác sĩ chỉ định phải mổ, xẻ tháo dịch mủ cấy làm kháng sinh đồ. Sau mổ, tuỳ thuộc vào mức độ nhiễm trùng và tập luyện sớm, khả năng hồi phục tốt.

Chị T.T.T.Đ chia sẻ và mong muốn mọi người khi bị thương không nên chủ quan tự ý sử dụng các loại lá cây, thuốc nam để đắp giảm đau mà nên đến bệnh viện để được thăm khám, có như vậy mới không để lại biến chứng cũng như hậu quả về sau này.

Bác sĩ Phạm Đình Thành chia sẻ thêm, việc tự ý dùng lá cây để đắp lên vết thương nguy cơ gây sẽ ra nhiều biến chứng và hậu quả khó lường cho người bệnh. Trong các trường hợp bị biến chứng nhẹ, nhập viện sớm, các bác sĩ có thể xử lý bảo toàn được các chi cho bệnh nhân; trường hợp nặng phải phẫu thuật cắt bỏ. Những trường hợp bị biến chứng suy đa tạng gần như không thể cứu được. “Khi bị chấn thương nên chườm lạnh, kê cao chân và đến khám ở bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, điều trị đúng, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Tuyệt đối không đắp thuốc bằng các lá cây hay bôi dầu nóng, rượu thuốc vì sẽ làm nóng vùng tổn thương, gây chảy máu mạnh hơn, dẫn tới nguy cơ teo cứng khớp, viêm khớp, hình thành áp xe gây hoại thư sinh hơi, nặng hơn là suy đa tạng dẫn tới tử vong”, bác sĩ Thành tư vấn.

Trong năm 2020, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bỏng ghi nhận hơn 20 trường hợp bị biến chứng do đắp thuốc lá cây. Hầu hết các trường hợp nhập viện đều đã điều trị, đắp thuốc một thời gian dài tại các điểm đắp thuốc nam tự phát, chỉ khi bệnh trở nặng mới nhập viện.

Phan Sáu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm