Hậu Giang ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến - hiệu quả kép

Hậu Giang ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến - hiệu quả kép
Hàng năm, sản lượng lúa hàng hóa của Hậu Giang đạt hơn 1,2 triệu tấn.
Hàng năm, sản lượng lúa hàng hóa của Hậu Giang đạt hơn 1,2 triệu tấn.

Thông tin từ Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nếu như năm 2007, diện tích canh tác lúa toàn vùng chỉ có 3,4 triệu ha, thì hiện nay đã tăng lên 4,2 triệu ha; năng suất lúa từ 3,98 tấn/ha tăng lên 5,86 tấn/ha; sản lượng từ 14 triệu tấn tăng lên 25 triệu tấn. Các tỉnh đạt sản lượng lúa cao nhất vùng là Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, với 11,7 triệu tấn.

Năng suất tăng

Tuy dẫn đầu cả nước về sản lượng gạo xuất khẩu, nhưng quá trình canh tác của người dân trong vùng ĐBSCL đang đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức như thiên tai, dịch bệnh, thường xuyên xảy ra cảnh “trúng mùa mất giá”. Nhất là ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu toàn cầu như khô hạn, xâm nhập mặn gây ra. Vì thế, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã và đang triển khai đến bà con nông dân các biện pháp canh tác lúa tiên tiến nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị hàng hóa của hạt gạo Việt Nam, thân thiện với môi trường, giảm thiểu sự tác động bởi biến đổi khí hậu.

TS Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nhấn mạnh sản xuất lúa, gạo tại vùng ĐBSCL đã không ngừng áp dụng cải tiến giống cây trồng, thay đổi từ giống lúa mùa một vụ năng suất thấp (1,5-2 tấn/ha) sang các giống lúa cao sản, chất lượng cao (6-8 tấn/ha), ngắn ngày (85-100 ngày) nên dễ dàng tăng vụ (2-3 vụ/năm). Bên cạnh việc cải tiến giống lúa gắn liền với công tác cải tạo thủy lợi xả phèn, rửa mặn, chủ động trong tưới tiêu, nhằm tạo tiền đề cho nhiều giống lúa thích nghi, phát triển thì các địa phương đã không ngừng chuyển giao khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật sản xuất mới cho người dân.

Đó là các biện pháp canh tác bước đầu mang lại những hiệu quả thiết thực như: hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI); canh tác lúa theo quy trình VietGap, “1 phải - 5 giảm” kết hợp với quản lý nước “ngập khô xen kẽ” được gọi là “1 phải - 6 giảm”; kỹ thuật canh tác lúa theo hướng sinh thái bền vững… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên khẳng định, sản xuất lúa của tỉnh đang có xu hướng phát triển, với năng suất bình quân tăng dần từ 6,5 lên 7,3 tấn/ha. Hiện, sản lượng hàng năm đạt hơn 1,2 triệu tấn lúa hàng hóa, góp phần cùng các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL tạo nên vựa lúa lớn nhất cả nước.

Giá thành hạ

Từ thực tiễn sản xuất cho thấy, các mô hình áp dụng kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến đã giúp giảm được lượng giống, phân bón, kể cả số lần phun thuốc trừ sâu mà vẫn đảm bảo năng suất, sản lượng so với phương thức truyền thống. Qua đó đã từng bước nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Cũng theo ông Trương Cảnh Tuyên, năng suất và sản lượng lúa ở Hậu Giang sẽ tăng hơn nữa, nếu người dân áp dụng tốt những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa đang được các ngành chức năng khuyến cáo như “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm” và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).

Ông Bùi Văn Chiến, đang canh tác 1ha lúa trên cánh đồng ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn, Châu Thành A, cho rằng: “Tình hình thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, nên nhà nông chúng tôi luôn xem khoa học - kỹ thuật là một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa hàng hóa”. Do đó, mỗi năm 3 vụ, ông Chiến luôn quan tâm áp dụng cách thức phòng trừ dịch bệnh tiến bộ như phương pháp “4 đúng” nhằm tránh trường hợp bón phân, phun xịt bừa bãi gây lãng phí, ảnh hưởng môi trường sinh thái, sức khỏe bản thân. Cũng như tranh thủ gieo sạ đúng lịch thời vụ, né rầy, góp phần tiết giảm chi phí ngay từ đầu vụ.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng tâm đắc những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn của tỉnh nói chung tiếp tục phát triển khá toàn diện theo hướng hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng và hiệu quả. Ngoài việc giữ ổn định diện tích gieo trồng hàng năm trên 200.000ha, thì thành công lớn đối với ngành nông nghiệp Hậu Giang là hạ được giá thành sản xuất lúa hàng hóa. Cụ thể, từ chỗ cao ngất ngưởng (trên 4.000 đồng/kg) so với mức bình quân vùng ĐBSCL hiện đã giảm xuống còn dưới 3.000 đồng/kg, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân trong lúc thị trường lúa, gạo bấp bênh.
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm