Hậu Giang ứng dụng công nghệ trong quản lý rừng

Hậu Giang ứng dụng công nghệ trong quản lý rừng

Sáng 17/3, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị Tổng kết phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp tỉnh giai đoạn 2020 – 2022 và triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp tỉnh giai đoạn 2023 – 2025.

Hậu Giang ứng dụng công nghệ trong quản lý rừng ảnh 1Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Tại hội nghị, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang ghi nhận thành tích của Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, Ban Chỉ huy Phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp trong tỉnh và cho rằng, thời gian qua, việc phòng cháy, chữa cháy rừng ngày càng nhận được sự quan tâm từ chính quyền các cấp, các đơn vị chủ rừng và của các hộ dân trồng rừng; các Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã và phần lớn Ban Chỉ huy các đơn vị chủ rừng hoạt động có trách nhiệm, hiệu quả trong phòng cháy, chữa cháy rừng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị, thời gian tới, cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng với nhiều hình thức phù hợp. Thành viên Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng phối hợp các ngành liên quan tổ chức kiểm tra liên ngành về thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của các đơn vị chủ rừng và các vùng trọng điểm. Văn phòng Ban Chỉ đạo tham mưu triển khai thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 linh hoạt, hiệu quả; ứng phó kịp thời nếu có xảy ra tình huống cháy rừng trên địa bàn; xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức nếu để xảy ra cháy rừng.

Đồng thời, tuy động tối đa các nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường ứng dụng công nghệ phục vụ công tác quản lý, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý và bảo vệ rừng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu, các đơn vị chủ rừng quản lý rừng bền vững, tổ chức quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ đất được giao quản lý, không để xảy ra tình trạng vi phạm xâm lấn rừng và đất rừng; chủ động phương án 4 tại chỗ, đặc biệt, cần rà soát, kiểm tra trang thiết bị, hệ thống cung cấp nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng; quan tâm phối hợp, tạo điều kiện cho các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo, các lực lượng tham gia hỗ trợ khi có sự cố.

Hậu Giang ứng dụng công nghệ trong quản lý rừng ảnh 2Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Ông Đoàn Ngọc Thân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang cho biết, thời gian qua, việc tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng được tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, qua đó, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Công tác dự báo, cảnh báo cháy rừng được thực hiện kịp thời, sát với tình hình thực tế. Việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc xây dựng và triển khai phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng ở các đơn vị chủ rừng được thực hiện đúng theo quy định.

Bên cạnh đó, thực tập chữa cháy rừng được thực hiện đến tận các hộ dân, từng bước nâng cao ý thức, nắm được thao tác chữa cháy rừng; khi có sự cố cháy rừng xảy ra người dân có thể trực tiếp tham gia chữa cháy. Một số chủ rừng đã chủ động thực hiện hiệu quả các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang tặng bằng khen cho 2 tập thể, 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp tỉnh giai đoạn 2020 - 2022.

Hậu Giang ứng dụng công nghệ trong quản lý rừng ảnh 3 Các cá nhân nhận Bằng khen. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Toàn tỉnh hiện có 3.776,4 ha rừng; diện tích vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng là 1.326,4 ha, chiếm khoảng 35% tổng diện tích rừng toàn tỉnh.

Trong mùa khô năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy rừng tại khoảnh 12 thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Miền Nam, với diện tích 1,58 ha, làm thiệt hại 1.383 cây tràm. Nguyên nhân vụ cháy ban đầu được xác định là do người dân lén vào rừng đốt ong gây cháy.

Ngoài ra, do sự chủ quan của người dân trong sử dụng lửa đã gây ra 8 vụ cháy giáp ranh với rừng, lực lượng kiểm lâm cùng với các lực lượng khác đã huy động phương tiện kịp thời dặp tắt không để cháy lan vào rừng, chủ yếu là cháy cây phân tán, cháy vườn tạp, cháy cỏ. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân đốt đồng, đốt dọn thực bì sau khai thác gây cháy lan.

Hồng Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm