Hậu Giang phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao

Hậu Giang phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao
Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, trong thời gian qua, sản xuất lúa tỉnh Hậu Giang bên cạnh những thuận lợi cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhất là ngành sản xuất lúa của tỉnh chịu tác động xấu của biến đổi khí hậu, rõ nhất là những cơn mưa trái mùa, hạn hán, xâm nhập mặn và sâu bệnh ngày càng diễn biến bất thường; các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm không ổn định, giá cả bấp bênh. 

Do đó, việc sản xuất lúa gạo đảm bảo chất lượng, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa ở tỉnh Hậu Giang nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung là cần thiết. Hội thảo nhằm đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo hướng bền vững, từng bước hướng đến sản xuất lúa sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Đồng thời tạo điều kiện để các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và người trồng lúa gặp gỡ, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện liên kết, phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao theo hướng bền vững, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. 
 
Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng, căn cứ vào thực tiễn tình hình và các quan điểm, định hướng cần thực hiện tốt các nhóm giải pháp về: quy hoạch đầu tư, khoa học công nghệ, thị trường và liên kết, nguồn nhân lực. 

Cụ thể, rà soát, quy hoạch lại các sản phẩm chủ lực, trong đó có lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, dựa trên lợi thế cạnh tranh, tránh dàn trải để tập trung đầu tư chiều sâu, gắn với triển khai khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ thực tế cho thấy, vấn đề quan trọng là thay đổi tư duy và phương pháp đầu tư, chuyển từ đầu tư theo “đoạn” sang đầu tư theo “chuỗi” sản xuất. 

Với đầu tư theo chuỗi sẽ giúp tránh trường hợp tập trung đầu tư không cân đối trong chuỗi. Muốn vậy, trước tiên cần xác định sản phẩm phải trải qua những công đoạn nào trong chuỗi sản xuất để quy hoạch và xây dựng chính sách thu hút đầu tư phù hợp.  

Nhằm kích thích “ngòi nổ” trong liên kết, phát triển sản xuất và tiêu thụ  lúa gạo chất lượng cao theo hướng bền vững của tỉnh Hậu Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, theo Tiến sĩ Đoàn Mạnh Tường, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh khu vực cần ưu tiên một số việc như thúc đẩy liên kết thông qua tổ chức sắp xếp lại ngành hàng lúa gạo; việc thu mua, chế biến lúa gạo và thị trường tiêu thụ. 
 
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo "Thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao theo hướng bền vững"
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại  hội thảo "Thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao theo hướng bền vững"

Cụ thể, xây dựng quy chế, quy định cho hệ thống thu mua tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, phá vỡ hợp đồng gây thiệt hại cho nông dân. Nhất là ưu tiên tạo điều kiện cho doanh nghiệp có hướng phát triển hệ thống bảo quản và chế biến với các thiết bị công nghệ hiện đại với quy trình kỹ thuật tiên tiến đảm bảo sản phẩm gạo có chất lượng cao, giá thành thấp và tạo ra nhiều loại sản phẩm chế biến đa dạng. 

Cũng theo Tiến sĩ Đoàn Mạnh Tường, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, ở góc độ tỉnh Hậu Giang, việc liên kết và sản xuất và tiêu thụ lúa gạo được thực hiện bằng cách thiết lập các mối quan hệ hợp tác kinh doanh thông qua hợp tác áp dụng cơ giới; hợp tác trong chuyển giao áp dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ; hợp tác trong phát triển dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm. 

Hậu Giang hiện có hơn 200.000 ha đất trồng lúa hằng năm, năng luất lúa trung bình khoảng 6,2 tấn/ha, sản lượng đạt 1,2 triệu tấn. Việc sản xuất được thực hiện 3 vụ/năm. Đến nay toàn tỉnh đã có hơn 3.300 ha với hơn 3.200 hộ tham gia mô hình cánh đồng lớn. Hiện các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu và thu mua lúa được khoảng gần 7.000 tấn/vụ, chiếm 30% sản lượng lúa cánh đồng lớn. 
Phạm Duy Khương
TTXVN

Có thể bạn quan tâm