Hậu Giang: Phập phồng với xâm nhập mặn

Hậu Giang: Phập phồng với xâm nhập mặn
Nông dân trồng mía huyện Phụng Hiệp đang lo lắng về tình hình xâm nhập mặn
Nông dân trồng mía huyện Phụng Hiệp đang lo lắng về tình hình xâm nhập mặn

Không giống như những vụ mía đã qua, bước vào vụ sản xuất mía 2015-2016 này, nông dân tại vùng mía nguyên liệu huyện Phụng Hiệp (nơi có diện tích xuống giống mía lớn nhất tỉnh, với gần 8.000ha) luôn cảm thấy bất an khi lần đầu tiên bị nước mặn xâm nhập. Thời gian qua, đã có nhiều diện tích mía bị thiệt hại và khả năng còn tiếp diễn do dự báo nước mặn còn tiếp tục ảnh hưởng với nồng độ cao trong thời gian tới vì đang vào cao điểm mùa khô. Đang vô đất cho 5 công mía của gia đình, ông Nguyễn Văn Tám, ở ấp Tân Phú A2, xã Tân Phước Hưng, cho biết: “Tôi sống ở đây hơn 50 năm, đây là lần đầu tôi chứng kiến nước mặn tấn công làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất. Đợt xâm nhập mặn vào thời điểm 28, 29 tết vừa rồi, nước từ sông Phụng Hiệp có mặn đã lấn sâu vào rẫy mía làm cho nhiều diện tích mía mới xuống giống của bà con nơi đây bị ảnh hưởng nặng, riêng gia đình tôi cũng bị hơn 1 công”.

Qua thống kê của ngành chức năng địa phương, trong đợt mặn vừa qua, toàn xã Tân Phước Hưng có khoảng 1.000ha trong tổng số 2.300ha mía xuống giống bị ảnh hưởng do mặn, hiện diện tích này trong giai đoạn hồi phục. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, những ruộng mía do người dân không phát hiện nước mặn đã tưới vào thì hiện cây mía kém phát triển so với rẫy mía không bị ảnh hưởng. Điều dễ nhận thấy là lá vàng hoe và có nhiều đốm đen, nông dân không biết là do bị ảnh hưởng của mặn hay đây là bệnh lạ nên gây nhiều lo lắng trong những ngày qua. Do tiếc của và không nỡ nhổ bỏ những bụi mía nhiễm mặn, bà con đang vô phân, chăm sóc, đồng thời đợi mưa xuống sẽ trồng giặm vào những lỗ có mía đã chết với hy vọng vớt vát lại phần nào. Thế nhưng, theo phản ánh của người dân, mặc dù có dự báo là nước mặn đang diễn ra gay gắt, nhưng cái khó hiện nay là bà con rất mập mờ thông tin về nồng độ mặn tại địa phương.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, từ tháng 3 đến tháng 5 tới đây là thời kỳ mặn xâm nhập cao nhất và có khả năng kéo dài đến tháng 6, tháng 7 nếu mùa mưa đến trễ, trong đó huyện Phụng Hiệp sẽ bị nước mặn xâm nhập theo hai hướng. Thứ nhất, mặn từ Đại Hải (Sóc Trăng) qua trục kênh Mang Cá xâm nhập vào thị xã Ngã Bảy, cũng từ thị xã Ngã Bảy mặn tiếp tục lấn sâu vào phía Nam và Tây Nam ảnh hưởng đến huyện Phụng Hiệp, với dự báo nồng độ mặn từ 4-6‰. Thứ hai, mặn từ Bạc Liêu theo kênh Quản lộ Phụng Hiệp ảnh hưởng các huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ và Phụng Hiệp, với độ mặn dự báo từ 6-10‰. Với dự báo trên, khiến cho không ít người trồng mía của huyện Phụng Hiệp lo lắng, bởi từ tháng 4  đến tháng 5 là thời gian cao điểm của xâm nhập mặn thì cũng là lúc bà con nơi đây vào thời điểm bơm sình non cho mía, đây thật sự là một điều trở ngại lớn.

Anh Nguyễn Văn Việt, ở ấp Mỹ Phú, xã Tân Phước Hưng, bộc bạch: “Vụ mía vừa qua nông dân trúng mùa, trúng giá nên rất kỳ vọng vụ mía này tiếp tục được hưởng vị ngọt của cây mía. Tuy nhiên, với tình hình nước mặn diễn biến khó lường như hiện nay, nông dân chúng tôi rất phập phồng lo sợ. Do đó, người dân đang mong ngành chức năng, nhà máy đường có giải pháp, trước tiên là thông tin về nông độ mặn để bà con biết mà phòng ngừa, bảo vệ vùng mía hiệu quả”.

Ông Võ Quân Vũ, Phó Giám đốc Bộ phận khuyến nông Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), cho hay: Hiện Casuco đã mua và chuẩn bị trang bị 50 máy kiểm tra nhanh nồng độ mặn cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ trồng mía nằm trong vùng nguyên liệu của công ty để nông dân theo dõi sát về diễn biến nước mặn nhằm có biện pháp sử dụng nguồn nước hợp lý, tránh thiệt hại, nhất là vào thời điểm bơm sình non cho mía. Bên cạnh hỗ trợ máy đo độ mặn, giống như thông lệ hàng năm, bộ phận khuyến nông của Casuco còn mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng mía đến với nông dân, trong đó có gắn biện pháp chăm sóc mía mùa xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, đặc biệt quan tâm ở những nơi mới bị nhiễm mặn lần đầu để khuyến cáo bà con hạn chế sử dụng nước tưới cho mía khi thủy triều dâng cao, thường xuyên theo dõi thông báo tình hình độ mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như những hộ được Casuco trang bị máy đo. Về lâu dài, Casuco sẽ phối hợp với ngành chức năng tỉnh, các địa phương sớm có những giải pháp căn cơ, bền vững như: cách chọn giống mía ngắn ngày và có khả năng thích ứng tốt với điều kiện nhiễm mặn cao như hiện nay, nghiên cứu thực hiện mô hình tưới nước tiết kiệm đối với cây mía,… nhằm đảm bảo ổn định vùng nguyên liệu mía.
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm