Hậu Giang: Nhà vườn lo mất mùa trái cây tết

Hậu Giang: Nhà vườn lo mất mùa trái cây tết
Ông Hồ Thanh Bình đang đối mặt với cảnh sâu đục trên thân xoài làm ảnh hưởng năng suất khi thu hoạch.
Ông Hồ Thanh Bình đang đối mặt với cảnh sâu đục trên thân xoài làm ảnh hưởng năng suất khi thu hoạch.

Chỉ còn chưa tới 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2016, nhưng người trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh Hậu Giang vẫn chưa an tâm về năng suất và chất lượng nông sản. Theo đánh giá của bà con, mùa trái cây tết năm nay kém phần “sôi động” bởi những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết như nắng nóng kéo dài, ít mưa dẫn đến hiện tượng thiếu nước cục bộ ở một số vườn cây ăn trái, gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất khi thu hoạch.

Vườn xoài của ông Trần Văn Tuy, ở ấp Sơn Phú, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, cũng rơi vào tình trạng trên. Nếu vào thời điểm này năm trước, 150 gốc xoài Đài Loan sau vườn cho sản lượng gần 3 tấn, thì năm nay ước tính chỉ đạt khoảng 1 tấn trái. Sản lượng đã thấp, nhưng lại tốn thêm khoản chi không nhỏ cho khâu tưới tiêu. Ông Tuy tâm sự: “Nếu tính chung với tiền phân, thuốc thì năm nay chi phí sẽ đội lên khoảng 20-30%. Trong khi đó, giá xoài hiện tại không cao, tôi chỉ bán được khoảng 20.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với năm trước. Năng suất thấp, chi phí cao, tính ra không lời được bao nhiêu”.

Bên cạnh đó, thời điểm gần cuối năm những cơn mưa bất thường xuất hiện, kèm theo sự thay đổi đột ngột của thời tiết đã tác động không nhỏ đến những vườn xoài đang cho trái. Nếu hơn hai tháng trước, ông Hồ Thanh Bình, ở ấp Tân Hưng, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, phải ngậm ngùi tiếc rẻ trước cảnh xoài non rụng trắng gốc chỉ sau một cơn mưa bất chợt thì giờ đây ông phải trăn trở nhiều hơn bởi vấn đề sâu bệnh hại hoành hành. Hiện khoảng 20 gốc xoài nhà ông Bình đang bị sâu đục thân tấn công làm ảnh hưởng đến số lượng trái ít ỏi còn lại trên cây.

Chỉ tay vào những thân cây đang bị sâu đục chảy nhựa, ông Bình buồn bã nói: “Tôi từng mất ăn, mất ngủ với cảnh xoài rụng trắng gốc, mà giờ sâu bệnh lại tấn công nữa thì rõ ràng nông dân không thể chắc chắn điều gì về sản lượng trước khi thu hoạch. Dù tôi đã tốn nhiều chi phí phân, thuốc nhưng chưa thể kiểm soát được sâu bệnh; ngược lại còn xảy ra hiện tượng lây lan sang những cây khác, từ đó nỗi lo càng chồng chất”.

Ông Hồ Hoài Dữ, Chủ nhiệm Hợp tác xã cây giống Cửu Long, ở ấp Tân Hưng, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, nhận định: “Tình hình sâu bệnh hại tấn công đã làm ảnh hưởng đến sản lượng ở nhiều vườn cây ăn trái. Theo tôi dự đoán, năm nay nguồn cung có phần ít hơn mọi năm, và giá có thể cao hơn chút ít khi vào mùa cao điểm thu mua nông sản tết”.

Theo bà con, đối với một số loại trái cây dùng để chế biến “đặc sản” tết vào thời điểm này có giá bán không cao. Cụ thể, tại thị xã Ngã Bảy, nhiều nông dân trồng mãng cầu xiêm chỉ bán được 15.000-20.000 đồng/kg. Ông Trần Chí Tâm, ở ấp Sơn Phú, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, cho hay: “Mãng cầu xiêm thì chỉ có giai đoạn trước tết này là có giá, bởi thương lái thu mua với số lượng lớn để làm mứt. Năm trước, với gần 0,2ha mãng cầu cho thu hoạch trên 3 tấn, với giá trên 20.000 đồng/kg, nhưng ngay lúc này tôi chỉ bán có 15.000 đồng/kg”.

Mặt khác, thời tiết năm nay cũng không thuận lợi đối với các sản phẩm trái cây tạo hình. Ông Võ Hồng Quốc, ở ấp Phú Trí A, xã Phú Xuân, huyện Châu Thành, đang cho vào khuôn để tạo hình khoảng 200 trái dưa hấu hồ lô, nhưng theo ông, rủi ro là rất cao. “Trời nắng oi bức, nếu mình không thăm vườn thường xuyên và tưới nước đầy đủ sẽ xảy ra hiện tượng héo dây, trái không phát triển. Bên cạnh đó, nhiệt độ nóng như hiện nay càng làm tăng nguy cơ nứt trái”.

Ông Võ Trung Thành cùng những thành viên trong Hợp tác xã trái cây tạo hình ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, thực hiện tạo hình cho 10.000 trái bưởi, nhưng tỷ lệ đạt chỉ chiếm khoảng 60%. Ông Thành chia sẻ nguyên nhân: “Mấy tháng trước, ở giai đoạn xử lý bao trái thì xảy ra hiện tượng một số trái bị sượng, không nở đầy khuôn do ảnh hưởng bởi nắng nóng và thiếu nước. Những trái không đạt chất lượng như thế, đành phải loại bỏ”.

Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thông tin: “Xét về yếu tố thời tiết thì năm nay có thể nói cây xoài bị ảnh hưởng khá nhiều do bệnh thán thư tấn công vào giai đoạn ra bông nên khả năng đậu trái ít, từ đó ảnh hưởng đến sản lượng khi thu hoạch. Bên cạnh đó, nhiều vườn cây ăn trái như bưởi trồng đã lâu năm bị cằn cỗi và thiếu chất dinh dưỡng nên cho trái không nhiều”.

Hiện, những người trồng cây ăn trái đang rất kỳ vọng giá cả sẽ tăng vào cao điểm 10 ngày tới để bù đắp lại phần nào năng suất bị thất thoát do ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh hại gây ra.
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm