Hậu Giang họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2023

Hậu Giang họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2023

Sáng 12/4, Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang tổ chức Họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2023. Tham dự buổi họp mặt có trên 200 đại biểu là các vị sư sãi, chức sắc, cán bộ hưu trí, đại diện gia đình chính sách, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.

Hậu Giang họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2023 ảnh 1 Tiết mục hát Aday của đồng bào Khmer tại buổi họp mặt. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Trong không khí vui tươi, ấm áp, các đại biểu được nghe đọc thư chúc mừng Tết Chôl Chnăm Thmây của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang gửi đồng bào dân tộc Khmer.

Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang gửi lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất đến các vị sư sãi, chức sắc, cán bộ hưu trí, gia đình chính sách, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer và thông tin đến các đại biểu tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Hậu Giang họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2023 ảnh 2Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, năm 2022, tỉnh hoàn thành toàn diện 18/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh. Trong đó, có 13/18 chỉ tiêu vượt kế hoạch, một số chỉ tiêu như: tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách trên địa bàn, thu nhập bình quân đầu người, giảm nghèo vượt cao so với kế hoạch.

Đặc biệt, quý I năm 2023 tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh lần đầu tiên được xếp cao nhất cả nước, tăng 12,67%. Kết quả trên là minh chứng cho sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng sự chung tay góp sức của toàn thể nhân dân, trong đó, có đóng góp rất quan trọng của các vị chức sắc, đồng bào dân tộc Khmer.

Hậu Giang họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2023 ảnh 3Các vị sư sãi nhận quà nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi toàn thể cán bộ, các vị sư sãi, đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, cùng với chính quyền địa phương nỗ lực khắc phục và vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống; tích cực tham gia các phong trào thi đua, học tập, lao động sản xuất, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; tiếp tục giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ngày thêm phong phú, đa dạng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10 tháng 1 năm 2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới và Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình Mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần nâng cao chất lượng đời sống, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập, góp phần giúp đồng bào Khmer ổn định đời sống, yên tâm học tập, lao động và sản xuất.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 26.000 người Khmer (chiếm hơn 3% dân số của tỉnh) và 15 chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Các cấp, các ngành trong tỉnh nỗ lực thực hiện tốt công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe, phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo cho đồng bào Khmer. Tỉnh đã xây dựng nhiều chính sách nhằm triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định, chương trình, chính sách của Trung ương, góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất lẫn tinh thần của đồng bào dân tộc trong tỉnh.

Hồng Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm