Hậu Giang: Hiệu quả từ một phong trào

Hậu Giang: Hiệu quả từ một phong trào
                                Hậu Giang: Hiệu quả từ một phong trào ảnh 1
         Mô hình “Phòng, chống đuối nước trẻ em”, ở thị trấn Một Ngàn, đã và đang mang lại nhiều hiệu quả.

Nhiều bến đò an toàn, mô hình hiệu quả

Ông Huỳnh Thôn, chủ bến đò ngang sông ở thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, cho biết: “Từ khi tham gia hoạt động đưa đò, tôi luôn đặt an toàn tuyệt đối cho hành khách là nhiệm vụ hàng đầu. Để thực hiện tốt vấn đề này, cơ sở của tôi đã trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị an toàn giao thông đường thủy nội địa như: áo phao cứu sinh, thiết bị cứu hộ cho các nhân viên học các lớp máy trưởng, thuyền trưởng, kỹ thuật cơ khí, không chở quá số người quy định…”. Với cách làm trên, bến đò của ông Huỳnh Thôn nhiều năm qua rất an toàn, được nhiều người dân tin tưởng mỗi khi qua đò. Từ đó, ông đã mở nhiều điểm đưa đò ở Hậu Giang, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ, với 20 bến đò.

Còn mô hình “Phòng, chống đuối nước trẻ em”, ở thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, đã và đang mang lại nhiều hiệu quả, được nhân rộng sang các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Thiếu tá Trần Văn Hiền, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông và trật tự cơ động, Công an huyện Châu Thành A, cho biết: “Sở dĩ chúng tôi chọn ấp Nhơn Xuân, thị trấn Một Ngàn, làm mô hình điểm, vì trước đây ở ấp này thỉnh thoảng có tình trạng đuối nước xảy ra ở trẻ em, đặc biệt nơi đây còn tiếp giáp với kênh xáng nên tình trạng đuối nước luôn tiềm ẩn”. Khi phát động mô hình, người dân ở đây rất vui và phấn khởi, nhiều người tự nguyện hiến cây để làm hàng rào, bố trí nơi tập bơi cho các em trên phần đất của mình. Hàng tuần, Đoàn thanh niên thị trấn còn phối hợp với chính quyền ấp vận động, tuyên truyền các gia đình về phòng, chống đuối nước, đồng thời tập bơi cho các em. Từ khi thành lập mô hình này, trên địa bàn ấp không có tình trạng trẻ em bị đuối nước. 

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh, 5 năm qua, Hậu Giang đã xây dựng nhiều mô hình thiết thực về giao thông thủy nội địa, qua đó phát huy hiệu quả tích cực trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy. Nổi bật là mô hình “Bến đò ngang an toàn”, từ đó từng bước đưa hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn đi vào nề nếp, công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa được các ngành quan tâm, điều kiện hoạt động của bến khách ngang sông được đảm bảo.

Tiếp tục đẩy mạnh

Hậu Giang có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, với tổng chiều dài gần 700km và có gần 500 bến đò khách ngang sông, kênh rạch. Những năm qua, cùng với công tác tuyên truyền, vận động, lực lượng chức năng tổ chức trên 8.820 cuộc tuần tra, kiểm soát, qua đó phát hiện, lập biên bản xử lý trên 24.820 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh còn gặp khá nhiều khó khăn như: Công tác xử lý vi phạm trên lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa từng nơi, từng lúc chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe dẫn đến tình trạng xem thường các quy định của pháp luật về Luật Giao thông đường thủy nội địa. Một nguyên nhân nữa cũng tiềm ẩn không nhỏ tai nạn giao thông đường thủy nội địa là hiện tượng lấn chiếm luồng, hành lang an toàn giao thông đường thủy; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển không bằng, chứng chỉ chuyên môn; bến khách hoạt động không phép, người đi đò không mặc áo phao diễn ra thường xuyên.

Tại buổi tổng kết 5 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2011-2015, ông Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá: Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” đã thật sự lan tỏa, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân đã hưởng ứng nhiệt tình, từ đó cuộc vận động đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội trên đường thủy nội địa. Để hoạt động của các bến khách ngang sông đi vào nề nếp, ổn định, thời gian tới lực lượng chức năng các cấp cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở việc chấp hành nội quy quy định của hành khách và chủ phương tiện, nhất là về giấy phép mở bến khách ngang sông, người điều khiển phương tiện phải có đủ bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo quy định, đồng thời trang bị đầy đủ các dụng cụ đảm bảo an toàn mới được lưu thông trên sông nước.

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, 5 năm qua, toàn tỉnh xây dựng và duy trì 73 mô hình “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Đã phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa từ tỉnh đến cơ sở trên 22.300 cuộc; cấp phát trên 20.000 tờ bướm, 6.575 sổ tay về tìm hiểu Luật Giao thông đường thủy nội địa… 5 năm qua, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa, làm chết 5 người, bị thương 1 người; so với 5 năm liền kề giảm 13 vụ, giảm 15 người chết, số người bị thương tương đương.
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm