Hành trình xây dựng thương hiệu du lịch Việt (Bài 2)

Một góc chùa Tam Chúc nhìn từ trên cao. Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN
Một góc chùa Tam Chúc nhìn từ trên cao. Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN

Bài 2 - Nỗ lực vượt khủng hoảng sau 2 dịch bệnh nghiêm trọng

Có thể nói, dịch COVID-19 đã tạo ra cuộc khủng hoảng toàn cầu, các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đều chịu ảnh hưởng to lớn trên tất cả các mặt. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, dễ bị tác động khi xảy ra sự cố nhưng cũng có thể nhanh chóng phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng sau đó. Du lịch Việt Nam đã nhanh chóng vượt qua khủng hoảng do dịch SARS năm 2003 và nay cũng đang nỗ lực phục hồi sau dịch COVID-19.

Hành trình xây dựng thương hiệu du lịch Việt (Bài 2) ảnh 1Một góc chùa Tam Chúc nhìn từ trên cao. Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN

Từ SARS đến COVID-19

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổng hợp: Năm 2003, đại dịch SARS đã làm thế giới điêu đứng. Dịch được ghi nhận từ tháng 11/2002 đến tháng 7/2003, lưu hành ở 25 quốc gia, hơn 8.000 người mắc, số người chết là hơn 770 người...Theo các chuyên gia, dịch SARS gây thiệt hại khoảng 40 tỷ USD trên toàn thế giới.

Du lịch thế giới gặp khó khăn. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), lượng khách quốc tế giảm 1,5% từ 703 triệu lượt năm 2002 xuống còn 690 triệu lượt năm 2003. Đặc biệt, lượng khách quốc tế ở nhiều điểm đến đã giảm một nửa trong tháng 4-5/2003.

Việt Nam cũng tổn thất do SARS với 65 người mắc, 5 người tử vong. Rất may mắn là Việt Nam đã nhanh chóng khống chế thành công dịch bệnh, sau 45 ngày đối mặt. Dù SARS diễn ra ở Việt Nam vào tháng 3-4 nhưng 2 tháng tiếp theo mới là thời điểm lượng khách quốc tế đến thấp nhất trong năm 2003. Phải đến tận tháng 9/2003, du lịch mới đạt mức cùng kỳ 2002 và 3 tháng cuối năm 2003 đã lấy lại được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2002. Nhưng tính chung cả năm 2003, khách quốc tế đến nước ta vẫn giảm tới 7,6%...

Năm 2020, tức là 17 năm kể từ khi diễn ra dịch SARS, thế giới và Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với đại dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Lần này, cả thế giới chao đảo bởi tốc độ lây lan dịch rất nhanh chóng, số người tử vong ngày càng tăng. Một lần nữa, du lịch toàn cầu rơi vào trạng thái gần như “đóng băng” bởi nhiều quốc gia tuyên bố đóng cửa biên giới để thực hiện giãn cách xã hội, tạm ngừng xuất nhập cảnh. Hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí... đều đóng cửa, vận tải khách hạn chế, chỉ phục vụ những trường hợp cấp thiết.

Việt Nam tiếp tục là một trong số ít quốc gia trên thế giới khống chế thành công dịch COVID-19 với lượng người mắc dưới 500, chưa có ca nào tử vong. Hiện tại đã hơn 80 ngày nước ta không phát sinh ca lây nhiễm trong cộng đồng. Nhưng dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, các chuyến bay thương mại quốc tế chưa được nối lại, khách quốc tế đến nước ta trong 6 tháng đầu năm 2020 mới đạt hơn 3,74 triệu lượt, giảm 55,8% so với cùng kỳ năm trước. 

Du lịch nội địa - “cứu cánh” cho du lịch Việt Nam sau dịch bệnh đến thời điểm này dù đã được kích cầu tích cực nhưng vẫn kém sôi động. Người dân đang “thắt lưng buộc bụng” do thu nhập giảm. Hơn nữa, vào thời điểm tháng 6 năm nay học sinh, sinh viên vẫn chưa kết thúc năm học, nên có thể nói là du lịch vẫn đang gặp khó khăn...

Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính cho rằng, để phục hồi ngành du lịch, cần chú trọng cơ cấu lại các sản phẩm du lịch và doanh nghiệp du lịch. Các địa phương cần xây dựng chương trình kích cầu theo lộ trình với mức độ ưu đãi giảm dần (1-2 tháng đầu miễn phí, sau đó giảm 50% tới hết năm). Ngoài ra, vấn đề vệ sinh môi trường và an toàn tại các điểm du lịch cũng cần đặt lên hàng đầu. Trải qua khủng hoảng, ngành du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp cần nhạy bén hơn để nắm bắt xu hướng mới, có các giải pháp tăng trưởng bền vững...

Cơ hội làm mới của ngành du lịch 

Hành trình xây dựng thương hiệu du lịch Việt (Bài 2) ảnh 2Khách thập phương về Tam Chúc sau khi ngành du lịch thực hiện kích cầu du lịch nội địa. Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN

Mới đây, trong một cuộc hội thảo bàn về các giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa, phục hồi du lịch quốc tế, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nên sau dịch COVID-19, cần làm mới với chiến lược cụ thể, không chỉ là hạ giá, kích cầu, mà chính là dịp tốt để tái cấu trúc từ thị trường, xúc tiến quảng bá, mở rộng miễn visa để thu hút khách. Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, đây là cơ hội để tạo bộ mặt mới cho ngành du lịch và khởi động lại nền kinh tế dịch vụ.

Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch (TAB) Trần Trọng Kiên chia sẻ về 5 xu hướng du lịch của người Việt hậu COVID -19. Những xu hướng này không mới nhưng đã góp phần định hướng phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam sau dịch bệnh.

Xu hướng đầu tiên là nhu cầu của thị trường bắt đầu phục hồi trở lại vào giữa tháng 4/2020. Thứ hai là du khách ưu tiên về an toàn và có ưu đãi. Tiếp đó, hầu hết người đi du lịch hiện tại đều muốn đi du lịch biển và thiên nhiên. Thứ tư là khách chuộng đi tour ngắn ngày, gần nơi sinh sống và đi cùng nhóm nhỏ gia đình, bạn bè. Thứ năm là khách muốn đặt tour trực tiếp với nhà cung cấp hoặc thông qua giải pháp số...

Ông Trần Trọng Kiên cho rằng: Nắm bắt được những xu hướng này, du lịch Việt cần thay đổi để phù hợp hơn với khách hàng, mở ra cơ hội lớn cho du lịch nội địa và tạo việc làm cho hàng triệu người...

Chia sẻ về phát triển du lịch trong hoàn cảnh hiện nay, bà Trần Nguyện, Giám đốc kinh doanh của Tập đoàn SunGroup cho biết: Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, người dân bị ảnh hưởng thu nhập nên cũng thắt chặt hầu bao hơn. Ngành du lịch Việt Nam chỉ có thể phục hồi khi các doanh nghiệp cùng bắt tay tạo nên nhiều gói sản phẩm hấp dẫn về chất lượng dịch vụ và giá cả, hình thành chương trình kích cầu có mức giá hấp dẫn...

Ngoài tham gia kích cầu, SunGroup ưu tiên đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo, chất lượng cao nhằm gia tăng trải nghiệm cho du khách, đón đầu “làn sóng bùng nổ” du lịch nội địa và sau này là thị trường du lịch quốc tế khi hết dịch. Thời gian qua, tập đoàn đã đưa vào vận hành Khu nghỉ dưỡng suối khoáng cao cấp Onsen Quang Hanh, thung lũng hoa hồng lớn nhất Việt Nam tại Fansipan và tới đây là tuyến cáp treo Cát Hải- Phù Long tại Hải Phòng...

Với những doanh nghiệp lữ hành lớn, đây cũng là thời điểm thích hợp để tiến hành tái cơ cấu, đổi mới thương hiệu. HaNoiRedtours vốn là một đơn vị luôn đi đầu, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Vừa qua, HanoiRedtours đã chính thức đổi tên thành Flamingo Redtours.

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám Đốc Flamingo Redtours chia sẻ: Năm 2020, Flamingo Redours chính thức bước vào tuổi 25 - độ tuổi vốn được coi là đẹp nhất khi có “trong tay” sức khỏe, sáng tạo của tuổi trẻ, có “độ chín” của trưởng thành. Đây cũng là năm bản lề, mang đậm dấu ấn của sự đổi mới, tạo tiền đề, động lực để thương hiệu Flamingo Redtours bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Cùng với việc đổi tên, Flamingo Redtours sẽ tiến hành tái cấu trúc cơ cấu nhân sự, bộ máy, đến thay đổi chiến lược, sản phẩm kinh doanh, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, vận hành nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường du lịch.

Có thể nói rằng, dịch bệnh là khách quan không ai mong muốn, nhất là ngành du lịch vốn rất nhạy cảm. Nhưng khi có sự cố xảy ra, toàn ngành đã rất nhanh chóng, đoàn kết, nỗ lực tìm ra phương án tốt để thích nghi, phục hồi, đổi mới để phù hợp xu hướng phát triển mới, quan trọng là đáp ứng kịp thời các xu hướng của du khách…


Thanh Giang


Bài 3: Du lịch Việt chinh phục khách Việt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm