Hàng hóa “bất động” trước giá xăng

Hàng hóa “bất động” trước giá xăng
Chây ì không giảm giá
Ghi nhận tại một số chợ ở TP Hồ Chí Minh như Thị Nghè, Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Phước Long (quận 9), chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) cho thấy, giá cả hàng hóa khá ổn định. So với tháng trước, dù giá xăng đã giảm nhưng giá thực phẩm tươi sống gần như không suy chuyển.
Cụ thể, thịt lợn ba rọi vẫn ở mức 90.000 - 95.000 đồng/kg, thịt lợn đùi 90.000 đồng/kg, cá bạc má 50.000 - 55.000 đồng/kg, cá thu 120.000 - 125.000 đồng/kg… Rau xanh, bầu, bí vẫn ở mức 10.000 - 12.000 đồng/kg, thậm chí một số loại rau thơm ăn lá tăng giá nhẹ 500 - 1.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do các tỉnh miền Nam đang vào mùa mưa, một số loại rau ăn lá dễ bị ngập úng nên khan hàng.
Hàng hóa “bất động” trước giá xăng ảnh 1
Giá các loại thực phẩm khá ổn định dù xăng dầu đã giảm giá mạnh.
Theo lý giải của các tiểu thương, giá xăng giảm nhưng giá thực phẩm không giảm một phần do đây là những mặt hàng thiết yếu nên nhu cầu tiêu thụ lớn. Một phần khác là do giá xăng chưa tác động kéo giá cước vận tải xuống.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng dự báo, giảm giá xăng dầu khó có thể tác động đến giá xi măng. Trong khi đó, ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép lại cho rằng, chi phí xăng dầu tác động khá lớn đến giá thép. Hơn 60% sản lượng thép được sản xuất theo phương pháp lò điện có sử dụng dầu. Bình quân, để sản xuất một tấn thép sẽ tốn 50 kg dầu. Mỗi tháng cả nước sản xuất khoảng 600.000 tấn thép, do đó nếu giá dầu hạ sẽ tiết kiệm được khoản tiền không nhỏ. Đó là chưa tính đến các chi phí vận tải hàng hóa đi tiêu thụ cũng được lợi do giá xăng dầu hạ. Việc các doanh nghiệp thép chây ì không chịu giảm giá tức là có ý trục lợi.
Chị Thanh Hương, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Phước Long B cho biết: Thịt lợn, cá, rau xanh… là những mặt hàng ai cũng phải sử dụng hàng ngày. Trước đây, sức mua giảm nên giá thịt lợn đã giảm khá sâu. “Giá thịt lợn hiện nay đã hợp lý nên nếu giảm nữa thì không có lãi. Mỗi ngày, tôi chỉ dám lấy khoảng 200 - 250 kg thịt lợn về bán, có lấy nhiều cũng không bán hết do sức mua gần như không tăng so với các tháng trước”, chị Hương chia sẻ.
Tương tự, tình trạng không giảm giá thực phẩm cũng diễn ra tại các chợ ở Hà Nội. Chị Nguyễn Thị Vinh, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì) cho biết, nhiều tháng nay, giá thịt lợn ổn định, không tăng hoặc giảm không đáng kể. “Lợn cân hơi 53.000 đồng/kg, móc hàm 68.000 - 70.000 đồng/kg. Chúng tôi đi mua buôn mà giá không giảm thì sẽ rất khó giảm giá bán lẻ được. Hiện nay, chỉ có giá xương có thể giảm được, chứ giá thịt lợn thì vẫn giữ nguyên”, chị Vinh cho hay.
Cũng giống như các chợ lẻ, tại các chợ đầu mối nông sản, giá các loại thực phẩm cũng vẫn ổn định. Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết, hiện mặt hàng rau, củ, quả vẫn ổn định cả về giá và cung cầu. Giá xăng dầu giảm tác động không nhiều vào khâu vận chuyển hàng hóa về chợ. Thường tiểu thương thuê chở 5 - 7 tấn hàng với giá dao động khoảng 4 - 5 triệu đồng. Tại chợ đầu mối, giá nhiều loại hàng hóa chỉ bằng 1/2 so với chợ bán lẻ. Tuy nhiên, giá hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng thường tăng cao do chi phí tăng ở các khâu phân phối.
Cần chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng
Về việc giá cả hàng hóa chưa giảm sau khi xăng dầu liên tục giảm giá, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Ban Quản lý chợ Phạm Văn Hai lý giải, giá thực phẩm tăng hay giảm chủ yếu do biến động của mùa vụ chứ ít khi ảnh hưởng bởi giá xăng dầu.
Tại hệ thống siêu thị Big C, ngoài hoạt động khuyến mãi từ nhà cung cấp và nhà phân phối thì các mặt hàng chưa có kế hoạch giảm giá theo xăng dầu. Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ Công chúng của siêu thị giải thích, lúc xăng dầu biến động theo chiều hướng tăng thì giá hàng hóa vẫn không tăng. Từ đầu năm đến nay, tổng giá trị của 7 lần giảm giá xăng dầu không thấp hơn bao nhiêu so với 4 lần tăng giá. Cụ thể, 7 lần giảm với tổng mức giảm 5.600 đồng/lít và 4 lần tăng với mức 5.040 đồng nên giá hàng hóa không biến động nhiều.
Còn đại diện siêu thị Saigon Co.op cho rằng diễn biến giá thị trường thường có độ trễ. “So với trước khi giảm giá xăng, giá thực phẩm tươi sống, rau củ quả có giảm đôi chút. Rau củ quả Đà Lạt đang giảm thêm khoảng 8%. Đây là mức giảm khá cao vì siêu thị đang có chương trình giảm giá định kỳ ở mức 15 - 20%”, vị đại diện cho biết.
Một trong lý lẽ để các tiểu thương không giảm giá hàng hóa là cước vận tải không giảm giá theo giá xăng. Tuy nhiên, sau khi có chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan chức năng thì hiện một số hãng vận tải đã “rục rịch” giảm giá cước. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng các tiểu thương, hệ thống siêu thị cần chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng thông qua việc hạ giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Dù mức giảm nhẹ nhưng cũng sẽ có tác động mạnh đến đời sống người dân. Ông Phú lo lắng việc tăng lương sắp tới có thể kéo giá cả hàng hóa lên cao, gây thêm áp lực cho người lao động nghèo.

Có thể bạn quan tâm