Hạn hán tác động đến chăn nuôi gia súc ở Ninh Thuận

Hạn hán tác động đến chăn nuôi gia súc ở Ninh Thuận
Đàn cừu cố tìm cỏ để ăn trong mùa khô hạn. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Đàn cừu cố tìm cỏ để ăn trong mùa khô hạn. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Xã Phước Trung, huyện miền núi Bác Ái là địa phương phát triển mạnh nghề chăn nuôi gia súc (chủ yếu là cừu và bò) với tổng đàn tương đối lớn. Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi cừu nơi đây vô cùng lo lắng, bởi đàn cừu ngày càng suy yếu, còi cọc, sau đó bị chết. Nếu thời tiết cứ nắng nóng kéo dài sẽ khó tránh khỏi tình trạng thiếu thức ăn, nước uống, chắc chắn thiệt hại không nhỏ đối với nghề chăn nuôi.

Ông Trần Công Hòa, ở thôn Đồng Dày, xã Phước Trung cho biết, trang trại của ông có trên 1.000 con cừu. Mặc dù ông có chủ động trồng 2 ha cỏ để dự phòng, cung cấp nguồn thức ăn bổ sung trong mùa khô, nhưng do tổng đàn lớn, không thể đáp ứng đủ thức ăn cho cừu, đồng thời do thiếu thức ăn chính (cỏ tự nhiên) nên nhiều con bị suy dinh dưỡng, ốm yếu. Chỉ tính từ đầu tháng 3 đến nay, trang trại của ông đã có gần 100 con cừu bị chết, cứ mỗi ngày cừu chết từ 2 đến 3 con, làm ông Hòa khá lo lắng.

Để bảo vệ, chăm sóc cho đàn cừu, ông Hòa phải chi phí khá nhiều tiền để mua thêm thức ăn bổ sung, đồng thời tăng cường mua thêm sữa cho cừu con uống để bổ sung dinh dưỡng. Ngoài ra ông Hòa cũng chủ động bỏ kinh phí thuê máy đào ao, tích nước để lo cho cừu uống.  

Không chỉ ở trang trại của ông Hòa, nhiều hộ chăn nuôi khác với quy mô nhỏ, tổng đàn ít hơn cũng giờ đứng ngồi không yên. Do thức ăn khan hiếm, muốn mua cho cừu ăn bổ sung cũng không dễ kiếm, cừu suy yếu bán chẳng ai mua nên khi ngã quỵ cũng đành bất lực nhìn cừu chết.

Người chăn nuôi cừu ở huyện Bác Ái phải mua sữa cho cừu con uống để tránh bị suy yếu. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Người chăn nuôi cừu ở huyện Bác Ái phải mua sữa cho cừu con uống để tránh bị suy yếu. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, bước vào mùa khô, thiếu thức ăn, nước uống, cừu bị chết là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu như người chăn nuôi, nhất là các chủ trang trại chăn nuôi tổng đàn lớn biết chủ động ứng phó, bán bớt số lượng cừu, hạn chế tái đàn thì sẽ dễ cho việc quản lý, chăm sóc, không bị thiệt hại nhiều.

Thông thường vào tháng 3, tháng 4 mỗi năm, địa phương bước vào mùa khô hanh, nắng nóng kéo dài thường dẫn đến thiếu thức ăn, nước uống cho gia súc nhưng người chăn nuôi lại vẫn chủ quan, không chủ động trồng cỏ dự trữ thức ăn, đào ao tích nước phục vụ cho gia súc nên khi xảy ra hạn thì không kịp trở tay ứng phó.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo người chăn nuôi tranh thủ bán bớt số lượng tổng đàn để có kinh phí lo mua thức ăn, nước uống bổ sung cho gia súc. Người chăn nuôi cũng cần chủ động di chuyển đàn gia súc xuống vùng bằng, nhất là vùng trũng thấp, vùng gần sông, suối… để có điều kiện chăm sóc, có thêm thức ăn, nước sạch cho gia súc uống. Chi cục đang cử cán bộ kỹ thuật lên các địa phương vùng chăn nuôi có quy mô tổng đàn lớn để hướng dẫn người chăn nuôi cách chăm sóc gia súc trong mùa hạn, tránh thiệt hại lớn xảy ra.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, trong năm 2017 do thuận lợi về thức ăn, nước uống nên nghề chăn nuôi gia súc ở Ninh Thuận phát triển khá. Tổng đàn gia súc có sừng của tỉnh năm 2017 có hơn 415.000 con; trong đó, đàn bò hơn 112.000 con, bằng so với năm 2016; đàn trâu hơn 3.800 con, tăng 2% so với năm 2016; đàn dê gần 138.000 con, tăng 8% so với năm 2016, riêng đàn cừu giảm gần 3% so với năm 2016, tức còn 160.000 con.  
Công Thử

Có thể bạn quan tâm