Hải quân Nga trỗi dậy phá thế độc bá của Mỹ

Hải quân Nga trỗi dậy phá thế độc bá của Mỹ
Lần đầu tiên sau 24 năm, tình báo hải quân Mỹ mới lại soạn thảo một báo cáo “trắng” được công bố công khai về tiềm lực hải quân Nga. Tài liệu này đã được chuẩn bị trong nhiều năm, có cập nhất những diễn biến mới nhất liên quan đến tác chiến hải quân của Nga tại Syria gần đây. Theo đó, dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Vladimir Putin, hải quân Nga đã có những nỗ lực vượt bậc có khả năng thách thức vị thế quyền lực biển bá chủ bấy lâu của Mỹ. 
Hải quân Nga trỗi dậy phá thế độc bá của Mỹ ảnh 1
Màn phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm ấn tượng của hải quân Nga nhằm vào quân khủng bố ở Syria. Ảnh: Sputnik
Báo cáo dài 68 trang, có tiêu đề “Hải quân Nga: Sự chuyển mình lịch sử”, do George Fedoroff, chuyên gia hàng đầu về Nga của Văn phòng Tình báo hải quân Mỹ biên soạn, được hoàn tất hồi giữa tháng. Kết luận nổi bật được Fedroff đưa ra là: Nga đã và trong thập kỉ tới sẽ có bước chuyển lớn hướng đến xây dựng một lực lượng hải quân thế kỉ 21, có đủ năng lực bảo đảm quốc phòng độc lập, hiện diện ấn tượng tại những khu vực tầm xa toàn cầu có liên quan đến lợi ích của Nga. 
Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ đã cho dừng việc công bố các báo cáo thường niên mang tên “Tìm hiểu những phát triển hải quân Liên Xô” kể từ năm 1991. Đó là thời điểm mà sự sụp đổ của Liên Xô đã để lại những di sản nặng nề cho hải quân Nga, với hàng trăm tàu chiến, tàu ngầm, máy bay chiến đấu bị bỏ hoang tại các căn cứ, do thiếu tiền duy tu, bảo dưỡng. Thế nhưng nước Nga dưới sự chèo lái của Putin đã bắt đầu cho gây dựng lại thực lực gần như từ đầu. 
Trên cơ sở dẫn số liệu thô, “điểm danh” từng tàu chiến, tàu ngầm, máy bay mới được phiên chế, cùng với định lượng mức độ thiện chiến của sĩ quan, thủy thủ và vị thế của lực lượng trong hệ thống chính trị, quân sự Nga, Fedoroff thừa nhận hải quân Nga đã có bước chuyển mình lớn. “Kể từ năm 2000, trật tự kinh tế, chính thể tại Nga đã đi vào ổn định. Chính quyền đã hướng sự tập trung và nguồn lực để hồi sinh sức mạnh quân sự Nga, nhất là hải quân. Nhiều chương trình xây dựng bị đình trệ được khôi phục và hoàn tất, nhiều dự án mới nhằm phát triển tàu ngầm, tàu nổi cho hải quân thế kỉ 21 ra đời”, báo cáo nêu. 
Hải quân Nga từ chỗ chỉ có số lượng tàu chiến đủ sức vươn khơi “đếm trên đầu ngón tay” năm 2000 giờ đã thành thế lực mới với 186 tàu ngầm, tàu mặt nước, hoạt động ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Biển Đen, Biển Baltic, Biển Caspi, Địa Trung Hải và thậm chí vươn tới cả Bắc Cực. Hải quân Nga là đội quân xếp thứ 3 trên thế giới về số lượng tàu chiến, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. 
Tài liệu nhận định, trong một số lĩnh vực, hải quân Nga đã bắt kịp, thậm chí là vượt Mỹ, khiến cả thế giới bất ngờ. Tháng 9/2015, tàu chiến cỡ nhỏ và vừa của Nga ở Biển Caspi đã phóng tên lửa hành trình, tiêu diệt các mục tiêu quân khủng bố tại Syria ở khoảng cách gần 2.000km. Đến đầu tháng 12/2015, tàu ngầm lớp Kilo mới nhất của Nga cũng lại có màn thị uy tên lửa hành trình tương tự, từ đáy biển ở Địa Trung Hải phóng vào Syria. 
Đây được xem là bước tiến vượt bậc, vì tên lửa hành trình phóng từ đại dương là hệ thống vũ khí then chốt đối với bất kì một cường quốc nào có kế hoạch can dự quân sự chính xác, đồng thời tránh được những thương vong, tổn thất cho chính mình. “Việc phổ biến khả năng này trong phạm vi hải quân Nga là bước chuyển đổi cơ bản, giúp tăng cường khả năng răn đe, hủy diệt các mục tiêu đối phương”, Fedoroff viết. 
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm