Hải Dương phát triển các sản phẩm du lịch mới

Hải Dương phát triển các sản phẩm du lịch mới
Cổng lên Đền Cao An Phụ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Hiền Anh- TTXVN
Cổng lên Đền Cao An Phụ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Ảnh: Hiền Anh- TTXVN

Kinh Môn là huyện miền núi, cách trung tâm thành phố Hải Dương khoảng 35km về phía Đông. Là một huyện bán sơn địa, tạo hóa và lịch sử đã để lại cho Kinh Môn phong cảnh núi non, hang động thiên nhiên kỳ thú cùng hệ thống di tích lịch sử văn hóa, làng nghề lâu đời, là tiềm năng và lợi thế rất lớn để phát triển du lịch. Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 110 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh khác nhau. Trong đó có 1 di tích lịch sử và danh thắng quốc gia đặc biệt, 18 di tích được xếp hạng quốc gia, 14 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Ngoài ra, Kinh Môn còn lưu giữ nhiều lễ hội văn hoá truyền thống khác nhau, hàng năm thu hút hàng vạn du khách thập phương về chiêm bái và vãn cảnh.

Chương trình khảo sát đã mời hơn 30 doanh nghiệp lữ hành đến từ các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh cùng với 10 cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài tỉnh tham dự. Với mục đích thu thập, tham khảo nhiều ý kiến đóng góp khách quan để xây dựng cũng như tuyên truyền cho sản phẩm du lịch được phát triển tốt hơn và bền vững hơn. Chương trình đưa du khách khám phá 5 địa điểm văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đặc sắc nhất tại địa phương: Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, chùa Tường Vân cổ kính; trang trại Đà Điểu; chùa động Hàm Long, động Tâm Long và một số dịch vụ bổ trợ khác.

Trong quần thể núi An Phụ có các điểm tham quan nằm trên đỉnh núi An Phụ thuộc xã An sinh, huyện Kinh Môn, cách trung tâm thành phố khoảng 37km về phía Đông. Đền cao An Phụ, nơi thờ An Sinh Vương Trần Liễu là thân phụ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người Anh hùng dân tộc đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ 13. Vùng đất này, chính là nơi Trần Liễu được ban thái ấp và được phong làm An Sinh Vương. Sau khi An Sinh Vương Trần Liễu mất, đền thờ Ngài được lập trên núi An Phụ.

Du khách tham quan bức phù điêu được làm bằng đất nung như một pho sử lớn tại huyện Kim Môn. Ảnh: Hiền Anh- TTXVN.
Du khách tham quan bức phù điêu được làm bằng đất nung như một pho sử lớn tại huyện Kim Môn. Ảnh: Hiền Anh- TTXVN.

Chùa Tường Vân cổ kính, tục gọi là chùa Cao. Đến thời Hoàng Định (1600 - 1619), triều đình đương thời trích công quỹ giao cho nhà sư Nam Nhạc Phụ tu bổ và liên tiếp trong các thế kỷ sau, chùa không ngừng được trùng tu, tạo nên cảnh “Đào Nguyên”. Cách đây một thế kỷ, bên chùa còn trụ Kình Thiên. Bên dưới trước chùa còn một giếng thiêng, quanh năm ăm ắp nước, trong vắt. Cách chùa 100m về phía Đông có Bàn Cờ Tiên. Từ Bàn Cờ Tiên tại khe Gạo còn di tích một ngôi chùa nổi tiếng là chùa Gạo, tương truyền trước đây là kho dự trữ quân lương để đánh giặc ngoại xâm.

Tượng đài Trần Hưng Đạo nằm bên dưới đền và chùa nói trên, trên một đỉnh núi có độ cao gần 200m, có dựng Tượng đài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Đây là bức tượng được làm bằng đá xanh lớn nhất Việt Nam. Bên cạnh tượng là bức phù điêu được làm bằng đất nung như một pho sử lớn, dãy trường thành lịch sử đang hiện hữu như nhắc nhở con cháu về chiến công anh hùng của cha ông. Bức phù điêu do các nghệ nhân Làng Cậy, xã Long Xuyên, huyện Bình Giang đúc và nung đốt theo phương pháp thủ công dài 45m, cao trung bình 2,5m gồm 526 mảng. Vào thời điểm mới xây dựng thì đây là phù điêu đất nung lớn nhất Việt Nam.

Giếng Ngọc lưu giữ nét cổ tại Đền Cao An Phụ, huyện Kinh Môn. Ảnh: Hiền Anh- TTXVN
Giếng Ngọc lưu giữ nét cổ tại Đền Cao An Phụ, huyện Kinh Môn.
Ảnh: Hiền Anh- TTXVN

Chùa, động Kính Chủ thuộc xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương được mệnh danh là “Nam Thiên đệ lục động” và “bảo tàng bia khắc trên vách đá”. Động Kính Chủ nằm trong núi Dương Nham, Núi này còn có tên Bồ Đà, Xuyến Châu, Thạch Môn. Động từng được triều đình phong kiến xưa tôn là: Nam Thiên đệ lục động (tức Động đẹp thứ 6 trời Nam). Chùa thờ Phật và thờ vua Lý Thần Tông, Lý Chiêu Hoàng, Minh Không thiền sư, Huyền Quang tôn giả. Trong núi còn có Động Cô Tiên thờ Mẫu và Tiên, còn hai pho tượng Phật bằng đá cổ…Động Kính Chủ là một thắng cảnh của miền Đông-Bắc. Danh nhân vua chúa quan lại nhiều thời đại đã từng đến đây đã để lại những dòng suy tư với đất nước và thời cuộc. Những cảm xúc đó được thợ đá ở đây ghi lại bằng 54 tấm bia tạc vào vách động, của các danh nhân, như: Phạm Sư Mạnh, vua Lê Thánh Tông, Lễ bộ Thượng thư Vũ Cán (thời Lê), Hình Bộ Thượng thư Trương Quốc Dụng (thời Nguyễn)...

Chùa Nhẫm Dương, nơi khai sinh môn phái Tào Động trong Phật giáo Thiền tông Việt Nam, là ngôi chùa duy nhất chứa một kho tàng di chỉ khảo cổ học của người Việt và các sinh vật thời tiền sử. Nhẫm Dương có hệ thống núi đá vôi, các hang động và cảnh quan thiên nhiên ở đây hùng vĩ với 26 hang động lớn nhỏ, rất nhiều hóa thạch phát hiện được đã minh chứng rằng, dãy núi này có thể là nơi tụ cư của người Việt thời tiền sử...

Du khách tham quan Động Kính Chủ với chùa trong động và những bài thơ trên vách đá. Ảnh: Hiền Anh-TTXVN
Du khách tham quan Động Kính Chủ với chùa trong động và những bài thơ trên vách đá. Ảnh: Hiền Anh-TTXVN

Kết thúc chuyến đi, các đơn vị doanh nghiệp lữ hành, cơ quan thông tấn, báo chí đã có những đóng góp tích cực về việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tới các thị trường trọng điểm trong và ngoài nước... của tỉnh Hải Dương. Sản phẩm tuor du lịch tại huyện Kinh Môn được đánh giá cao bởi giá trị lớn về văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh thiên nhiên mà địa phương mang lại. Tuy vậy vẫn còn một số mặt hạn chế cần hoàn thiện sớm về cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư du lịch; khẩn trương phát triển hạ tầng giao thông đi lại cho thuận tiện hơn, các dịch vụ du lịch còn ít.

Thông qua những chương trình như này giúp tỉnh Hải Dương khảo sát, đánh giá được các điểm du lịch mới để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của tỉnh. Ngoài ra tỉnh còn liên kết với các tỉnh, thành phố lân cận xây dựng các tour, tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng; đồng thời tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch tiêu biểu của tỉnh đến với các hàng lữ hành, du khách trong và ngoài nước. Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục tổ chức nhiều chương trình khảo sát tại các địa điểm du lịch tiềm năng trong cả tỉnh, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch cho Hải Dương.
Hiền Anh

Có thể bạn quan tâm