Hai bức tranh "Thần Nông và Địa Trạch" của người Cao Lan - Sán Chỉ

Hai bức tranh "Thần Nông và Địa Trạch" của người Cao Lan - Sán Chỉ
Địa bàn tụ cư lâu đời của tổ tiên họ là ở vùng giáp nhau của ba tỉnh Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông (Trung Quốc). Sau đó họ dần dần chuyển cư xuống vùng đông nam Lưỡng Quảng - hướng ra phía biển. Trước khi di cư vào Việt Nam, người Cao Lan - Sán Chỉ quần cư đông đảo tại vùng núi Thập vạn đại sơn - Bạch Vân Sơn, nằm sát biên giới Việt - Trung ngày nay.

Tên gọi của dân tộc này có phần phức tạp. Do cách phát âm chữ Hán: Sơn tử (người ở núi) của các nhóm trong dân tộc mà thành: Sán Chỉ, Sán Chấy, Sán Chay, Sán Chới. Còn tên gọi Cao Lan có nghĩa là: người ở nhà sàn, gọi thông dụng rồi trở thành tộc danh.

Do quá trình di cư khỏi Hồ Nam đã nhiều thế kỷ trước khi di cư vào Việt Nam. Họ đã cư trú ở vùng Lưỡng Quảng khá lâu dài, mang đậm nét ảnh hưởng văn hóa của các vùng dân tộc Hán và Tày, Nùng. Bởi vậy, đến nay về mặt ngôn ngữ, ta thấy:

- Nhóm Cao Lan gần gũi ngôn ngữ nhóm Tày - Thái.

- Nhóm Sán Chỉ gần gũi với phương ngữ Hán Quảng Đông.

Nhìn chung: tín ngưỡng và tôn giáo của người Cao Lan - Sán Chỉ cũng là theo Đạo giáo dân gian có du nhập nhiều ảnh hưởng của Phật giáo và các vị thánh thần của dân gian Trung Quốc, nhưng cũng đã dân tộc hóa rất nhiều. Điều đặc biệt trong toàn bộ tranh thờ của Cao Lan - Sán Chỉ là việc tôn thờ các tổ nghề nghiệp: Thần Nông (tổ nghề nông), Địa Trạch (tổ nghề chăn nuôi), Tứ Mục Tiên (tức Thương Hiệt - thần tạo ra chữ Hán), Phục Dược Bà, Phát Dược Tiên, Trị bệnh công tào (tổ nghề thuốc), Tam Nải phu nhân (nữ thần bảo hộ nghề đi biển)… mà trong các tranh của dân tộc khác nhau (như Dao, Tày, Nùng) không có.

Đặc biệt vào dịp Tết Nguyên Đán, trong ngôi nhà sàn, các gia đình Cao Lan - Sán Chỉ còn treo bộ tranh hai bức: Thần Nông và Địa Trạch để cầu chúc may mắn, hạnh phúc, ấm no, thịnh vượng vào dịp đón năm mới. Đây là hai bức tranh đặc sắc đã được Cao Lan - Sán Chỉ hóa "một cách cao độ, đậm đà nét văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc".
 
 
1    
 2
1.Thần Nông (Bộ tranh 2 bức của dân tộc Cao Lan - Sán Chỉ do nghệ nhân Đông Hồ thể hiện)
2.Địa Trạch (Bộ tranh 2 bức của dân tộc Cao Lan - Sán Chỉ do nghệ nhân Đông Hồ thể hiện)

Mỗi bức tranh có kích thước cao chừng 60cm, chiều rộng chừng 30cm, vẽ theo chiều dọc. Theo chúng tôi, tranh được chia thành hai phần rõ rệt:Phần trên chiếm gần 1/3 diện tích mặt tranh, vẽ các vị thần: Thần Nông và Địa Trạch.

Một bức vẽ Thần Nông: Trên thân hình của thần không có trang phục, mũ mãng gì, chỉ có một vành khố kết bằng những chiếc lá để che hạ bộ và một vòng lá kết che trên cổ. Thần được vẽ trong tư thế nhảy múa, một tay cầm mặt trăng (nguyệt- âm khí) một tay đỡ mặt trời (nhật- dương khí).

Đây là hình tượng phản ánh lại những hoạt động tín ngưỡng nguyên thủy phục vụ lao động sản xuất của con người cổ sơ: Theo truyền thuyết thì: Thần Nông đã sai ca hát, nhảy múa, cử nhạc để phục hồi âm khí, ổn định quần sinh vào dịp tế Trời- Đất, cầu chúc cho sang năm mới mùa màng thắng lợi; Với niềm tin tưởng rằng: âm nhạc và vũ đạo có sức mạnh ảnh hưởng tới thiên nhiên, làm thay đổi được tình trạng "vạn vật tan tác, hoa quả không đậu", dân khí u uất trì trệ, gân cốt co quắp cứng nhắc do khí đông lạnh giá đem lại, nay cần nhảy múa để đón xuân khí ấm áp, thông thuận cho hoạt động của muôn người muôn vật.

Phần dưới của tranh Thần Nông, chiếm hơn 2/3 diện tích mặt tranh, vẽ cảnh lao động sản xuất nông nghiệp, thể hiện các phương thức canh tác từ cổ sơ như chọc lỗ tra hạt cho tới cầy, bừa cấy, hái, tát nước, nhổ mạ… để minh họa cho ý đồ của tranh. Tuy là một bức vẽ thờ vị thần linh cổ đại trong truyền thuyết, nhưng đây là một tác phẩm có tình cảm nồng hậu, giàu ý vị trữ tình trong hệ thống tranh thờ của người Cao Lan - Sán Chỉ: Phía dưới hình ảnh Thần Nông có vẽ đôi vợ chồng người Cao Lan - Sán Chỉ đang chọc lỗ tra hạt. Người vợ mặc áo uyên ương (nguyên mẫu trang phục truyền thống), dùng dây đeo dao có dệt hoa văn để thay thắt lưng, có cột bộ xà tích bằng bạc và giỏ đan đựng hạt giống, một tay đang gieo hạt giống vào lỗ do người chồng đứng đối diện dùng cây gậy dài để chọc lỗ. Đây không những là phương thức canh tác nông nghiệp từ cổ sơ còn lại đến bây giờ, mà còn là một nghi lễ cầu cúng cho nông nghiệp được phồn vinh, phát đạt mà nhiều cư dân nông nghiệp ở nước ta còn đang tiến hành.(*)

Bức tranh thứ hai vẽ vị thần Địa Trạch - hay còn gọi là Địa phủ, được Đạo giáo dân gian gọi là Hậu thổ Hoàng địa kỳ, chấp chưởng âm dương sinh dục, là nữ thần của vạn vật- núi sông.

Phía dưới của thần vị Địa Trạch có vẽ 5 vị thổ thần (trông coi 5 phương đất- trời), và một Bà Mụ - tượng trưng cho việc sinh nở được vẹn toàn của người và vật, mong muốn cho: người khang- vật thịnh vào năm mới. Cảnh vật được vẽ minh họa rất sinh động gồm có các loại gia súc: trâu, ngựa, bò, dê, chó, lợn, gà trống, gà mẹ, gà con, đôi vịt uyên ương... Toàn cảnh tượng mang vẽ sung túc, phồn vinh, sinh sôi nảy nở.

Dân gian còn gọi nôm na: đây là bộ tranh Thần Nông dạy cấy cầy, Địa Trạch dạy chăn nuôi mang ý nghĩa phác thực: âm dương hòa hợp, Trời Đất giao hòa, mang lại phong đăng hòa cốc, người khang vật thịnh vào dịp bước sang năm mới.
 
 1  
 2
1. Thần Nông (Bộ tranh 2 bức của dân tộc Cao Lan - Sán Chỉ do nghệ nhân Hàng Trống thể hiện)
2. Địa Trạch (Bộ tranh 2 bức của dân tộc Cao Lan - Sán Chỉ do nghệ nhân Hàng Trống thể hiện)
Người Cao Lan - Sán Chỉ vốn ở nhà sàn. Theo truyền thuyết của dân gian, người ta mường tượng về kiến trúc ngôi nhà sàn của họ như con trâu thần: 4 cột tượng trưng cho 4 chân trâu. Bộ nóc gồm các rui, mè là những sương sườn, nóc nhà được coi như sống lưng của trâu thần. Tại một trong hai góc thuộc phần ngoài của ngôi nhà có một căn buồng nhỏ, nơi thờ "hương hỏa"- được coi là nơi linh thiêng nhất trong mỗi gia đình. Bên cạnh đó thường có một nơi ngồi của chủ gia đình; Sát cạnh cửa ra vào chính, với giữa chỗ ngồi của chủ gia đình có một bức vách (bằng nứa đan hoặc bằng gỗ) được gọi là "dạ dầy của trâu thần". Vào dịp cuối năm, tháng chạp, tế lễ ông bà, tổ tiên, cầu cúng Trời Đất, cầu chúc cho năm mới được phong đăng hòa cốc, nhân khang vật thịnh, người Cao Lan - Sán Chỉ hay treo 2 bức tranh của bộ tranh Thần Nông - Địa Trạch này trên bức vách đó, với một nghi thức trân trọng và đặt vào phía dưới bộ tranh có một dậu (**) cám gạo mới - để "trâu thần " ăn Tết. Đây là một tập quán cổ truyền đón năm mới được tiến hành cùng các nghi lễ trang trọng với những hình thức vui chơi giải trí cùng các trò triễn dân gian sôi nổi, vui tươi của người dân Cao Lan - Sán Chỉ trong dịp đón năm mới.

Đã hơn 400 năm qua, người Cao Lan - Sán Chỉ sinh sống xen kẽ cùng các cư dân Tày, Nùng, Việt, Thái, Mường trong các tỉnh vùng trung du Bắc bộ Việt Nam tại Thái Nguyên, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… đã trở nên thân thuộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Phong tục, tập quán, văn hóa, văn nghệ, tín ngưỡng của người Cao Lan - Sán Chỉ đã đóng góp cho kho tàng văn hóa- văn nghệ Việt Nam nhiều di sản quý báu, được giới thiệu trong nước và ngoài nước. Về phần tranh vẽ của họ được bà con dân tộc giữ gìn rất cẩn thận, gìn giữ bản sắc văn hóa - văn nghệ của dân tộc, nhờ các "tay nghề" của các thầy cúng trong các bản làng truyền đời sao chép y nguyên bản chính để phục vụ đời sống văn hóa, tâm linh của dân tộc. Ngoài ra do mối quan hệ sâu sắc với văn hóa của dân tộc kinh, các bản làng Cao Lan - Sán Chỉ cũng hay đón các nghệ nhân vẽ tranh dân gian thuộc hai dòng tranh dân gian nổi tiếng ở Bắc Bộ là dòng tranh dân gian Đông Hồ (thuộc huyện Thuận Thành- Bắc Ninh) và dòng tranh dân gian Hàng Trống - Hà Nội, về bản làng vẽ tranh thờ cho dân làng, dân bản. Đến nay, trong công tác sưu tầm tranh thờ cổ của các dân tộc ít người ở miền núi, chúng tôi đã sưu tầm được nhiều tranh thờ của họ, do nghệ nhân hai dòng tranh dân gian ở đồng bằng thực hiện.

Về nội dung chủ đề, nghệ thuật bố cục của các loại tranh thờ Đạo giáo, Phật giáo, tín ngưỡng dân tộc được các nghệ nhân dân gian Hàng Trống và Đông Hồ tuyệt đối tuân thủ và tôn trọng một cách chính xác theo nguyên bản của tiền nhân để lại.

Về hình thức nghệ thuật thể hiện tranh thờ của các dân tộc, các nghệ nhân vẽ tranh dân gian của Đông Hồ và Hàng Trống cũng để lại dấu ấn nghệ thuật đậm đà về phong cách nghệ thuật dùng mầu và kỹ thuật diễn tả nét vẽ bay bướm nuột nà của mình.

Các nghệ nhân dân gian Hàng Trống đã dùng màu phẩm nhẹ nhàng và tươi tắn để vẽ tranh thờ dân tộc, mang đến cho tranh thờ các dân tộc (Cao Lan - Sán Chỉ và Sán Dìu) nhiều bộ tranh vẽ có sắc màu rực rỡ, cách "cản màu" phẩm êm dịu, uyển chuyển. Được đồng bào dân tộc rất ưa thích. Các nghệ nhân dân gian dòng tranh Đông Hồ lại rất công phu thực hiện những bức tranh có nền "điệp" rất đặc trưng của dòng "tranh điệp Đông Hồ", cùng những "màu cái" truyền thống, rất nhuần nhụy, màu sắc sâu lắng, chắc khỏe, cùng những nét bút cứng cỏi, linh hoạt để những bức tranh thờ của các dân tộc có thêm phong cách nghệ thuật riêng, làm giàu thêm phong cách nghệ thuật, đem đến cho bà con dân tộc sự phong phú trong thưởng thức nghệ thuật.

Trong quá trình lịch sử, cộng cư lâu dài, các nghệ nhân dân gian Hàng Trống và Đông Hồ đã vẽ hàng trăm bộ tranh cho các dân tộc Cao Lan - Sán Chỉ, Sán Dìu, Dao Tiền, Dao Họ. Qua bài viết này chúng tôi xin giới thiệu bộ tranh hai bức "Thần Nông" và "Địa Trạch" của dân tộc Cao Lan - Sán Chỉ mà chúng tôi sưu tầm được ở vùng trung du thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Nội dung chủ đề của tranh và giá trị nghệ thuật của nó, đã đề cập ở trên để bạn đọc tham khảo. Đồng thời để bạn đọc hiểu thêm về mối giao lưu văn hóa vững chắc và lâu bền trong các dân tộc Việt Nam đã được cha ông chúng ta vun đắp nhiều đời, nhiều năm, nhiều công phu và tâm huyết.

Chú thích:
(*)Chọc lỗ tra hạt: được cư dân nông nghiệp canh tác nương rẫy như trên vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Việt Bắc sử dụng phổ biến. Đồng thời, khi bắt đầu một mùa vụ mới của vụ trồng trọt bà con hay tiến hành nghi thức này trên nương rẫy, với nội dung tín ngưỡng như sau: Chọc lỗ bằng cây gậy dài là tượng trưng cho việc mang theo khí dương từ bầu trời (hoặc tia nắng của mặt trời) truyền khí nóng - ấm vào lòng đất (lỗ tra hạt) để hạt giống đón nhận khí dương sẽ nảy mầm, sinh sôi phát triển.

(**) Dậu : là đồ đan như cái sọt cái giành, cái rổ, cái đá của miền xuôi, kín để đựng cám nuôi gia súc.
Theo vietnamfineart.com.vn

Có thể bạn quan tâm