Hà Tĩnh ngăn chặn bệnh đau mắt đỏ bùng phát

Ngày 14/9, Sở Y tế Hà Tĩnh đã chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) trên địa bàn.

Ha Tinh ngan chan benh dau mat do bung phat hinh anh 1Bệnh nhân đến thăm khám bệnh đau mắt đỏ tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Ảnh: TTXVN phát

Theo đó, tại huyện Hương Khê, từ đầu tháng 9 đến nay ghi nhận khoảng 5.900 ca đau mắt đỏ, trong đó có hơn 50% số ca bệnh là các em học sinh. Không chỉ tại Hương Khê mà tại nhiều cơ sở y tế trên địa bàn Hà Tĩnh như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Mắt... cũng gia tăng số bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến thăm khám và điều trị ngoại trú.

Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh, từ đầu tháng 8 đến nay đã tiếp nhận hơn 900 trường hợp bị đau mắt đỏ đến thăm khám, điều trị. Trong đó, không ít trường hợp bị nặng, biến chứng, khiến cho thời gian điều trị kéo dài.

Theo Bác sĩ Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh, giao mùa là thời điểm dễ xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh đau mắt đỏ. Năm nay, bệnh đau mắt đỏ đến khá sớm và trùng vào thời điểm năm học mới bắt đầu, các em học sinh ở các lứa tuổi tiếp xúc nhiều càng khiến cho nguy cơ dịch bệnh lây lan.

Ngành Y tế Hà Tĩnh phối hợp với ngành Giáo dục tăng cường chỉ đạo các trường học trên địa bàn thực hiện tốt biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ trong trường học và thông báo ngay cho cơ sở y tế trên địa bàn khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, để phòng tránh lây lan của bệnh, các bậc phụ huynh cần hạn chế việc trẻ dụi tay vào mắt, mũi, miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay.

Nếu phát hiện mắt trẻ chảy nhiều nước mắt, có nhiều ghèn rỉ mắt thì sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh, sát khuẩn tay sau khi vệ sinh mắt. Đồng thời, cần sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như: đồ ăn uống, chậu, khăn rửa mặt, chăn, gối ngủ; đeo khẩu trang khi có các triệu chứng ho, hắt hơi…; vệ sinh bàn ghế, không gian sinh hoạt, vui chơi của trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt.

Khi trẻ có các triệu chứng bệnh như đỏ mắt, chảy nước mắt, ra nhiều rỉ ghèn cần đưa đến các cơ sở y tế để được điều trị và xử lý biến chứng kịp thời, không nên tự ý dùng lá cây đắp mắt theo cách chữa trị dân gian, tránh gây biến chứng nặng nề hơn cho mắt.

Hoàng Ngà

Tin liên quan

Gia Lai giám sát, xử lý kịp thời các ổ bệnh đau mắt đỏ

Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có khoảng 3.000 người mắc bệnh đau mắt đỏ, tập trung chủ yếu tại thành phố Pleiku. Cao điểm của dịch bắt đầu từ đầu tháng 9 và tăng cao sau ngày khai giảng năm học mới.


Đau mắt đỏ gia tăng, người bệnh cẩn trọng khi dùng thuốc

Hiện chưa có thống kê đầy đủ về tình hình bệnh đau mắt đỏ tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, tuy nhiên, tại một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước… và một số bệnh viện Trung ương, số bệnh nhân bị đau mắt đỏ đang gia tăng nhanh chóng. Tháng 9 cũng là thời điểm học sinh bước vào năm học mới, việc học sinh trở lại trường có cơ hội tiếp xúc gần với nhau nên dịch rất dễ lây lan.


Khánh Hòa: Khuyến cáo không tự ý sử dụng đơn thuốc đau mắt đỏ của bệnh nhân khác điều trị cho bản thân

Từ đầu tháng 9/2023 đến nay, bệnh đau mắt đỏ (hay còn gọi bệnh viêm kết mạc) đang lây lan nhanh tại nhiều địa phương của tỉnh Khánh Hòa như thành phố Nha Trang, các huyện Cam Lâm, Diên Khánh…Số bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện chuyên Khoa Mắt tăng nhiều lần so với thời điểm tháng 8/2023 và cùng kỳ năm trước.



Đề xuất