Hà Tĩnh dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn

Hà Tĩnh dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn

Sau hơn 5 năm triển khai xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”, với những hiệu quả về kinh tế vã xã hội đã mang lại, mô hình này được đánh giá là một hướng sản xuất phù hợp để tỉnh Hà Tĩnh “cán đích” trên chặng đường xây dựng tỉnh nông thôn mới.

Hà Tĩnh dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn ảnh 1Người dân xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà thu hoạch lúa Xuân. Ảnh: Công Tường-TTXVN

Thực hiện Nghị quyết 01-NQ/HU của Ban thường vụ Huyện ủy Can Lộc, năm 2021 xã Vượng Lộc đã thực hiện xóa bờ vùng, bờ thửa nhỏ, xây dựng cánh đồng lớn trên diện tích 50 ha ở các thôn Hạ Vàng, Làng Mới; thực hiện chuyển đổi ruộng đất lần 3, từ nhiều thửa chuyển lại thành một thửa để cơ giới hóa trên diện tích 150 ha; sản xuất một giống lúa; áp dụng quy trình kỹ thuật đồng nhất từ khâu làm đất, chăm sóc đến thu hoạch.

Chủ tịch UBND xã Vượng Lộc Nguyễn Minh Vỵ cho biết: Từ sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cùng những chính sách hỗ trợ kịp thời từ xã, huyện, tỉnh đã giúp nông dân Vượng Lộc đồng lòng trong việc mở rộng quy mô sản xuất tập trung. Những mảnh ruộng bậc thang manh mún trước đó đã được thay thế bằng cánh đồng lớn bằng phẳng, thuận lợi cho cơ giới hóa, nông dân đỡ công làm cỏ, tiết kiệm được chi phí tưới tiêu do giữ được nước lâu hơn. Vụ mùa đầu tiên canh tác trên cánh đồng lớn, năng suất lúa tăng từ 56 tạ/ha lên 58 tạ/ha.

Là hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, từ khi có chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn, Hợp tác xã thương mại dịch vụ Hạ Vàng (đóng tại địa bàn xã Vượng Lộc) hưởng ứng và là đơn vị tiên phong.

Ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị Hợp tác xã thương mại dịch vụ Hạ Vàng cho biết: hợp tác xã hiện nay có 30 ha thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn và có 150 ha liên kết với các hộ dân trong xã về cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm. Từ 1.745 thửa nhỏ với tổng diện tích 30ha, sau tích tụ, chuyển đổi thành 15 thửa lớn đã giúp hợp tác xã thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất thuận lợi hơn, giảm được các chi phí khác như bơm nước, làm cỏ…

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, đến nay, tổng diện tích thực hiện Đề án tập trung ruộng đấy trên địa bàn huyện là 2.228 ha, chiếm khoảng 24% diện tích sản xuất lúa toàn huyện. Số ô thửa trong vùng giảm so với trước khi thực hiện đề án là 6.862 thửa, còn 2.124 thửa.

Để chuẩn bị cho sản xuất vụ Xuân 2023, thời điểm này trên các cánh đồng từ huyện Can Lộc, Thạch Hà đến Thành phố Hà Tĩnh, huyện Cẩm Xuyên… đều sôi nổi không khí ra quân phá bờ vùng bờ thửa, chuyển đổi ruộng đất.

Tiếp nối thành công từ những vụ sản xuất trước, huyện Cẩm Xuyên đang triển khai tập trung, tích tụ, chuyển đổi ruộng đất lần 3 trên diện tích hơn 900 ha tại 26 thôn của 12 xã bao gồm: Cẩm Dương, Nam Phúc Thăng, Cẩm Quang, Cẩm Bình, Cẩm Hà, Cẩm Quan, Cẩm Thạch, Cẩm Thành, Cẩm Thịnh, Cẩm Hưng, Yên Hòa, Cẩm Lạc.

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có hơn 6.300 ha đất sản xuất lúa đã được phá bờ vùng, bờ thửa, tập trung theo cánh đồng lớn.

Cùng với những chủ trương, chính sách thiết thực từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã đã tiếp thêm động lực giúp nông dân Hà Tĩnh hang hái thi đua trong việc dồn điền đổi thửa, chuyển đổi ruộng đất.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi ruộng đất, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn tại Hà Tĩnh sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, áp dụng công nghệ cao gắn với chuyển đổi số. Đồng thời, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, thu nhập cho người sản xuất, xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, bền vững.

Hoàng Ngà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm