Hạ tầng giao thông Tây Nguyên được đầu tư mạnh

Hạ tầng giao thông Tây Nguyên được đầu tư mạnh

Từ năm 2010-2015, Nhà nước đã đầu tư trên 62.637 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp đường bộ khu vực Tây Nguyên, trong đó các tuyến quốc lộ như đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, quốc lộ 20, 19, 26, 14C, 24, 25, 28, quốc lộ 27… với tổng chiều dài 1.109 km, được đầu tư 43.915 tỷ đồng; và vốn cho giao thông địa phương khoảng 18.722 tỷ đồng. 

Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Lắk và Bình Phước (Quốc lộ 14 cũ) có tổng chiều dài 663 km từ Đắk Zôn (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) được Bộ Giao thông vận tải cùng các tỉnh Tây Nguyên tổ chức khánh thành từ tháng 11/2015. Quy mô đầu tư toàn tuyến theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, một số đoạn qua đô thị được mở rộng 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Sau 1,5 năm triển khai xây dựng, toàn tuyến đã hoàn thành, về đích trước tiến độ 1 năm so với dự kiến, tiết kiệm được hơn 2.000 tỷ đồng, rút ngắn 1/3 thời gian chạy xe. 

Đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Gia Lai mới được đầu tư nâng cấp mở rộng. Ảnh: TTXVN
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Gia Lai mới được đầu tư nâng cấp mở rộng. Ảnh: TTXVN

Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của cả nước nói chung và các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước nói riêng. Đây là tuyến đường xương sống quan trọng nhất nối Tây Nguyên với hai trung tâm kinh tế lớn của đất nước là Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng, vừa góp phần bảo đảm an toàn giao thông vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh Tây Nguyên thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống người dân trong khu vực. 

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo tiếp tục triển khai tám dự án đường bộ với tổng nguồn vốn đầu tư 15.692 tỷ đồng và tổng chiều dài quốc lộ được nâng cấp, cải tạo là khoảng 681 km bằng các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn xã hội hoá. 

Cũng từ nguồn vốn trên, các tỉnh Tây Nguyên hiện có 3.620 km đường huyện được cứng hoá (đạt gần 71%), đường xã được cứng hoá khoảng 4.224 km (đạt trên 51%), đường thôn, xóm, buôn làng được cứng hoá 4.657 km… Nhờ vậy, hệ thống giao thông nông thôn ở vùng Tây Nguyên có bước phát triển mạnh mẽ và đã kết nối tốt hơn hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Trung ương với hệ thống hạ tầng giao thông địa phương. 

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã đầu tư nâng cấp, mở rộng ba cảng hàng không, gồm các sân bay Pleiku (Gia Lai), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Liên Khương (Lâm Đồng) để đáp ứng cho các loại máy bay A320, A321 cất hạ cánh. Nhờ vậy, đã tăng công suất khai thác của ba cảng hàng không từ 1,9 triệu hành khách vào năm 2010 lên 3,3 triệu hành khách/năm… 

Có thể bạn quan tâm